Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Giao dịch dân sự là căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể tham gia giao dịch. Vì vậy, xác định điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực là rất cần thiết và quan trọng. Vừa để ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền dân sự để xác lập các giao dịch trái pháp luật, vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội. Ngoài ra, giao dịch dân sự còn được xác lập thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định nhằm tuân theo các quy định của pháp luật về giao dịch, cũng đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể không bị xâm phạm.
Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực:
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định, ví dụ như: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Phân tích:
Phân tích các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Có thể thấy:
Thứ nhất: Chủ thể tham gia giao dịch có năng lực pháp luật dân sự dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
Thuật ngữ “chủ thể” ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.
Cá nhân: Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự đồng thời phải tự chịu trách nhiệm trong giao dịch dân sự đó. Cho nên, giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được toàn quyền xác lập mọi giao dịch dân sự.
- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng kí và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Ví dụ lập di chúc phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác: Các chủ thể này tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo uỷ quyền). Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh người được đại diện. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.
Thứ hai: Chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Không có tự do ý chí và bày tỏ ý chí không thể có tự nguyện, nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện. Sự tự nguyện của một bên (hành vi pháp lí đơn phương) hoặc sự tự nguyện của các bên trong một quan hệ dân sự (hợp đồng) là một trong các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: Tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật. Vì vậy, giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện không làm phát sinh hậu quả pháp lí. Bộ luật dân sự quy định một số trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe doạ, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Thứ ba: Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (mục đích thực tế). Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các bên đã cam kết, thoả thuận trong giao dịch. Những điều khoản này xác định quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh từ giao dịch. Mục đích và nội dung của giao dịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Con người xác lập, thực hiện giao dịch dân sự luôn nhằm đạt được mục đích nhất định. Muốn đạt được mục đích đó họ phải cam kết, thoả thuận về nội dung và ngược lại những cam kết, thoả thuận về nội dung của họ là để đạt được mục đích của giao dịch.
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán tài sản, mục đích mà các bên hướng tới là quyền sở hữu tài sản. Để đạt được mục đích này họ phải thoả thuận được về nội dung của hợp đồng mua bán bao gồm các điều khoản như đối tượng (vật bán), giá cả, thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng. Sự thoả thuận về các điều khoản đó lại nhằm đạt được mục đích là quyền sở hữu tài sản. Đây là mục đích của giao dịch mà các bên hướng tới. Tuy nhiên trong thực tiễn không phải bao giờ các chủ thể cũng có cùng mục đích. Có những trường hợp người mua muốn được sở hữu tài sản nhưng người bán không có mục đích đó mà vì một mục đích khác, đó là họ bán tài sản để trốn tránh việc kê biên tài sản, người bị kê biên tài sản bán hết tài sản của mình, trường hợp này người bán không phải muốn chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Mục đích này là trái luật.
Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự đó.
Thứ tư: Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của luật
Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Thông qua phương tiện này bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch dân sự đã xác lập. Hình thức của giao dịch dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Nó là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Người xác lập giao dịch dân sự có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ theo (yêu cầu phải lập thành văn bản, phải có chứng nhận, chứng thực, đăng kí, xin phép). Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó (Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hình thức miệng (bằng lời nói): Hình thức miệng được coi là hình thức phổ biến nhất trong xã hội hiện nay mặc dù hình thức này có độ xác thực thấp nhất. Hình thức miệng thường được áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay) hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau (bạn bè, người thân cho vay, mượn tài sản...). Nhưng cũng có trường hợp giao dịch dân sự nếu được thể hiện bằng hình thức miệng phải bảo đảm tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị (di chúc miệng quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hình thức văn bản:
- Văn bản thường: Được áp dụng trong trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự thoả thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch dân sự phải thể hiện bằng hình thức văn bản. Nội dung giao dịch dân sự được thể hiện trên văn bản có chữ kí xác nhận của các chủ thể cho nên hình thức này là chứng cứ xác định chủ thể đã tham gia vào một giao dịch dân sự rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói.
- Văn bản có công chứng chứng nhận, uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chứng thực: Được áp dụng trong những trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự bắt buộc phải được lập thành văn bản hoặc các bên có thoả thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng kí hoặc xin phép thì khi xác lập giao dịch các bên phải tuân thủ hình thức, thủ tục đó (mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất...).
- Hình thức giao dịch bằng hành vi: Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua những hành vi nhất định theo quy ước định trước. Ví dụ: Mua nước ngọt bằng máy tự động, chụp ảnh bằng máy tự động, gọi điện thoại tự động… Đây là hình thức giản tiện nhất của giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tại nơi giao kết. Hình thức này càng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là tại những quốc gia có nền công nghiệp tự động hoá phát triển.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận rất mới, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền công dân, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn, ổn định hơn trong giao lưu dân sự, thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào quan hệ dân sự; bảo đảm sự ổn định của giao dịch dân sự, các quan hệ liên quan và hạn chế sự không thiện chí của các bên trong giao dịch dân sự.
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338