Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Nhầm lẫn là điều kiện để giao dịch vô hiệu, giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên bị nhầm lẫn hoặc theo yêu cầu của các bên trong trường hợp các bên đều nhầm lẫn. Pháp luật các nước về vấn đề giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn cũng có các quy định, tiếp cận, và đánh giá khác nhau.
Phân tích:
Nhầm lẫn trong quan hệ giao dịch dân sự là hiện tượng chủ thể không kiểm soát được đầy đủ các yếu tố liên quan đến giao dịch. Sự nhầm lẫn liên quan đến nhiều yếu tố, những nhầm lẫn chủ yếu và phổ biến trong đời sống xã hội, chi phối đến quan hệ giao dịch dân sự:
- Nhầm lẫn về chủ thể xác lập giao dịch và thực hiện giao dịch.
- Nhầm lẫn về đối tượng của giao dịch.
- Nhầm lẫn về giá cả của giao dịch.
- Nhầm lẫn về thời hạn, địa đểm, phương thức thực hiện giao dịch.
- Nhầm lẫn còn là sự nhầm lẫn bản chất của giao dịch.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 trên, giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Bởi vì, chủ thể tham gia giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của mình hoặc vì lợi ích của người thứ ba, nhưng mục đích tham gia giao dịch không đạt được, thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn đều bi tuyên vô hiệu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp giao dịch dân sự được xác lập tuy có sự nhầm lẫn, nhưng mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được, thì giao dịch không bị tuyên vô hiệu.
Giao dịch dân sự chỉ có có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (2) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (3) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn sẽ không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về mặt chủ thể, mục đích, nội dung của một giao dịch theo quy định pháp luật. Vì vậy, về nguyên tắc, giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập (khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ không được pháp luật bảo vệ). Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như khi chưa xác lập giao dịch, nếu giao dịch chưa được thực hiện thì các bên không được thực hiện giao dịch đó. Nếu giao dịch đã được thực hiện toàn bộ hay một phần thì các bên không được tiếp tục thực hiện giao dịch và phải hoàn trả cho nhau những lợi ích vật chất đã nhận của nhau.
Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338