Language:
Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần (Điều 130)
03/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Giao dịch dân sự là một trong những căn cứ quan trọng và phổ biến nhất làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự. Để một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì giao dịch đó phải đáp ứng được một số các điều kiện do pháp luật quy định. Theo quy định pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.

 

Phân tích:

 

Giao dịch vô hiệu từng phần thông thường là giao dịch có đối tượng gồm nhiều vật khác nhau hoặc có nhóm các công việc khác nhau, mà chủ thể của giao dịch bị nhầm lẫn hoặc chủ thể không có quyền định đoạt đối với một vật cụ thể (vật đó không thuộc quyền sở hữu của chủ thể hoặc vật đó thuộc quyền sở hữu chung mà không có sự thỏa thuận với đồng sở hữu chung hoặc đối tượng của giao dịch là công việc nhưng một hoặc các bên bị nhầm lẫn) thì chỉ phần giao dịch liên quan đến các đối tượng này bị vô hiệu, còn các phần khác của giao dịch vẫn có hiệu lực. Ví dụ: Nếu phụ lục hợp đồng bị vô hiệu thì hợp đồng chính vẫn có hiệu lực thi hành.

 

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu:

 

Theo điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu:

 

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

 

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

 

Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

 

Điều 130. Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338