Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin ban đầu từ báo chí, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã nhận được đơn tố cáo của công dân N.H.A (ở Hà Nội) phản ánh việc nhân viên Ngân hàng là đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ có hành vi tư vấn sai lệch, nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người có đơn tố cáo. Trước đơn của công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên ngân hàng, phía Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã gửi đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. (Link thông tin https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-cong-an-don-to-cao-gui-tien-o-tpbank-thanh-mua-bao-hiem-sun-life-20230303121715230.htm)
Báo chí có nội dung trao đổi nhờ luật sư giải đáp:
1. Đối với vụ việc trên, việc chuyển đơn sang Bộ Công an thì tình huống nào sẽ xảy ra và quy trình tiếp nhận đơn tố cáo và giải quyết của cơ quan công an thế nào?
2. Người dân cần làm gì để không rơi vào trường hợp này?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, đây là sự việc khá hi hữu khi khách hàng cho rằng hợp đồng tiền gửi với lãi suất 8,7%/năm lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Để giải quyết sự việc khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến Ngân hàng Nhà nước (quản lý các ngân hàng), đến Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính để làm rõ, tuy nhiên phía ngân hàng và công ty bảo hiểm xuất trình được các nội dung trao đổi, các tài liệu văn bản mà khách hàng đã ký với phía công ty bảo hiểm, nên để làm rõ tính chính xác và bản chất của giao dịch này thì phải đưa ra pháp luật.
Việc chuyển đơn tố cáo và giải quyết đơn tố cáo do tổ chức khác chuyển tới cơ quan điều tra có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm; trách nhiệm tiếp nhậ và thẩm quyền giải quyết tin báo theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thời hạn giải quyết tin báo theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Nếu vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự, thì các bên thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm vẫn có quyền đưa vụ án ra tòa án nhân dân để giải quyết theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự, tranh chấp hợp đồng, theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự gồm: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Giao dịch dân sự bị tuyên bố là vô hiệu phải căn cứ theo quy định từ Điều 123 đến Điều 129 của Bộ luật Dân sự năm 2015 xem giao dịch đó thuộc trường hợp nào: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Như vậy, nếu rơi vào các trường hợp quy định từ Điều 123 đến Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự thì trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Đồng thời, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Theo đó, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Qua sự việc này, người dân khi tham gia bất cứ giao dịch nào cũng cần hết sức cẩn trọng, đọc kỹ các nội dung điều khoản hợp đồng trước khi ký kết, ngoài ra nếu nghi ngờ về những nội dung trong hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên giao kết hợp đồng giải thích rõ, yêu cầu mang hợp đồng về để tìm hiểu kỹ hoặc tìm người có chuyên môn, kinh nghiệm rà soát từng điều khoản của hợp đồng mà không vội vàng ký kết.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338