Tại Điều 641 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc gửi giữ di chúc. Theo đó, người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về công chứng. Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ: Giữ bí mật nội dung di chúc; Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc; Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng. Cụ thể:
Đối với cá nhân nhận gửi giữ di chúc, theo quy định pháp luật thì bất kì cá nhân nào cũng có quyền nhận giữ di chúc hộ người lập di chúc; mặc dù pháp luật không quy định cụ thể cá nhân phải có các điều kiện cụ thể mới được nhận giữ di chúc, tuy nhiên trên thực tế nếu quyết định giao di chúc cho người khác nắm giữ, người lập di chúc phải biết rõ người mình muốn gửi giữ. Người nhận gửi giữ phải là người đủ tin tưởng, có khả năng nắm giữ di chúc để di chúc được thực hiện đúng với nguyện vọng của mình sau khi chết; người nhận gửi giữ di chúc tuyệt đối không được sửa đổi, giả mạo di chúc, phải đảm bảo giữ nguyên vẹn nội dung trong di chúc.
Đối với tổ chức nhận gửi giữ di chúc, pháp luật quy định chỉ có tổ chức hành nghề công chứng mới được nhận gửi giữ di chúc. Cụ thể tại khoản 1 Điều 641 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
Nghĩa vụ của chủ thể nhận gửi giữ, chủ thể nhận giữ di chúc đang thực hiện công việc nhằm bảo vệ cho quyền, lợi ích của người lập di chúc, chủ thể phải thực hiện các nghĩa vụ như:
Giữ bí mật nội dung di chúc, nếu không có sự cho phép của người lập di chúc thì người giữ di chúc phải đảm bảo bí mật cho nội dung của di chúc; việc giữ bí mật nội dung di chúc không chỉ bảo vệ quyền cá nhân riêng tư của người lập di chúc, mà còn để việc chia di sản say này được minh bạch, rõ ràng, tránh trường hợp có người thừa kế biết trước nội dung di chúc thực hiện hành vi sẩu đổi, thay thế, giả mạo di chúc nhằm kiếm lợi cho mình.
Giữ gìn bảo quản di chúc, đây là nguyên tắc cơ bản của hợp đồng gửi giữ; người nhận gửi giữ được nhận khoản tiền công nhất định theo thỏa thuận các bên, vì vậy việc lưu giữ bất kỳ tài sản nào cũng đòi hỏi sự cẩn trọng trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản. Nếu xảy ra hư hại, thất lạc phải báo ngay cho người lập di chúc để tìm phương án thích hợp, lúc này có thể thay thế bằng một bản di chúc mới.
Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc khi người lập di chúc chết, mục đích của việc gửi giữ di chúc là dự trù cho phương án khi người lập di chúc chết đột ngột sẽ có người thay mặt họ đưa ra bản di chúc để tiến hành chia di sản. Khi người lập di chúc chết đi, người giữ di chúc có nghĩa vụ giao bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, để đảm bảo chắc chắn rằng bản di chúc đã được giao, và giao đúng bản di chúc của người người lập di chúc để lại thì khi giao di chúc các bên bao gồm bên giao và bên nhận phải ký xác nhận dưới sự làm chứng của hai chủ thể khác.
Còn đối với chủ thể nhận gửi giữ là tổ chức hành nghề công chứng ngoài nghĩa vụ trên, còn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật về công chứng, vì hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng được điều chỉnh bởi Luật Công chứng.
Nếu người giữ di chúc làm mất di chúc thì phải giải quyết ra sao?
(1) Di chúc bị mất trước thời điểm mở thừa kế:
Đối với trường hợp này, trước thời điểm mở thừa kế nghĩa là lúc này người để lại di chúc vẫn còn sống. Khi đó, người để lại di chúc hoàn toàn có thể lập một bản di chúc mới thay thế cho bản di chúc đã bị thất lạc trước đó. Bởi tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực.
(2) Di chúc bị mất sau thời điểm mở thừa kế:
Kể từ thời điểm mở thừa kế, di chúc bị mất và không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Lúc này pháp luật không căn cứ vào di chúc để phân chia di sản thừa kế mà sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Nếu chưa chia thừa kế mà tìm thấy bản di chúc đã thất lạc thì sẽ chia thừa kế theo di chúc, lúc này di chúc vẫn còn nguyên hiệu lực.
Ngoài ra, nếu đã chia thừa kế theo pháp luật mà trong thời hiệu yêu cầu chia thừa kế (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015) lại tìm thấy bản di chúc đã bị thất lạc, người thừa kế theo di chúc có yêu cầu chia theo di chúc thì phải chia lại thừa kế theo di chúc.
Ngược lại, vẫn trong trường hợp này nhưng người được hưởng di sản theo di chúc không có yêu cầu chia thừa kế lại như trong di chúc thì không phải chia thừa kế lại. Như vậy, thời điểm tìm thấy bản di chúc đã thất lạc, di chúc vẫn còn hiệu lực. Nhưng bởi không có yêu cầu chia thừa kế lại nên nội dung được thể hiện trong di chúc mới không được thực hiện.
Điều 641. Gửi giữ di chúc
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
2. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về công chứng.
3. Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:
a) Giữ bí mật nội dung di chúc;
b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338