Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Vì lợi ích chung của xã hội và để bảo đảm ổn định giao lưu dân sự trong những trường hợp nhất định, Điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định việc hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Đó là những trường hợp tài sản bị kê biên, hoặc tài sản đã được đem đi làm vật bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ. Nếu các quan hệ đặt cọc, thế chấp chấm dứt, quyết định kê biên tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không còn hiệu lực, thì quyền định đoạt của chủ sở hữu được khôi phục.
Tại Điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc hạn chế quyền định đoạt như sau:
Thứ nhất, quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
Thứ hai, khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.
Quy định tại Điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ ra nguyên tắc định đoạt đối với tài sản, đó là chủ thể có toàn quyền định đoạt tài sản theo ý mình, như chọn người nhận chuyển giao quyền sở hữu, cách thức định đoạt... và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp luật quy định.
Để cụ thể hóa thì Điều 196 Dân sự năm 2015 quy định 02 trường hợp mà chủ thể phải dành ưu tiên mua cho những chủ thể này: (1) Nhà nước có quyền ưu tiên mua khi tài sản định đoạt là di tích, lịch sử văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa; (2) Các trường hợp khác mà chủ thể có quyền ưu tiên mua theo quy định của pháp luật như tại khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua; Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung; Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũng quy định về quyền ưu tiên mua của các đồng sở hữu chung khi bán nhà thuộc sở hữu chung, thậm chí quy định về quyền ưu tiên mua của bên đang thuê nhà. Ví dụ: Bán nhà ở đang cho thuê, nhà ở thuộc sở hữu chung thì người thuê, chủ sở hữu chung có quyền ưu tiên mua.
Điều 196. Hạn chế quyền định đoạt
1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
2. Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338