Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định pháp luật, lầm cố tài sản là hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ thể hiện mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại bên có quyền lựa chọn biện pháp cầm cố để thể hiện rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc tài sản của bên có nghĩa vụ. Việc cầm cố tài sản thường được đặt ra bên cạnh một hợp đồng dân sự hoặc một nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Bất luận ở trường hợp nào, cầm cố tài sản đều là kết quả của sự thỏa thuận từ hai phía và với mục đích bên có nghĩa vụ hoặc bên thứ ba phải bằng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền.
Tại Điều 310 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hiệu lực của cầm cố tài sản. Theo đó, hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Hợp đồng cầm cố có hiệu lực với các bên trong hợp đồng kể từ thời điểm giao kết, và có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Dựa trên quy định này pháp luật đã tách biệt thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cầm cố, và thời điểm biện pháp cầm cố có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Theo đó, theo nguyên tắc chung thời điểm hợp đồng giao kết là thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng, cũng chính thời điểm đó hợp đồng phát sinh hiệu lực.
Còn đối với thời điểm mà biện pháp cầm cố có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba thì, tùy thuộc vào từng loại hình tài sản cầm cố, việc xác định thời điểm có hiệu lực được xác định theo nguyên tắc sau:
- Nếu tài sản cầm cố là động sản thì thời điểm biện pháp cầm cố phát sinh hiệu lực đối kháng là thời điểm mà bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Việc nắm giữ tài sản cầm cố là đặc điểm cơ bản của biện pháp cầm cố. Mà động sản là tài sản có thể dễ dàng di chuyển, vậy nên đối với tài sản cầm cố là động sản, chỉ cần bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản thì sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
- Nếu tài sản cầm cố là bất động sản thì, thời điểm biện pháp cầm cố phát sinh hiệu lực đối kháng là thời điểm kể từ thời điểm đăng ký. Vì, bất động sản là đất và tài sản gắn liền với đất với tính chất không thể dịch chuyển được, là tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, bên nhận bảo đảm cũng không thể nắm giữ tài sản là bất động sản được. Do đó, việc đăng ký biện pháp bảo đảm là cơ sở để xác định tài sản đó đã được cầm cố. Từ đó, xác định được quyền của bên nhận bảo đảm với tài sản đó, tạo thuận lợi cho việc xử tài sản sau này.
Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cầm cố tài sản có vai trò quan trọng trong việc làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, là căn cứ để xác định thời hiệu khởi kiện nếu phát sinh tranh chấp. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 310. Hiệu lực của cầm cố tài sản
1. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338