Language:
Hơn 20 ô tô bị chọc thủng lốp khi đỗ trên vỉa hè Hà Nội, trách nhiệm pháp lý ra sao?
10/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Sáng 10/04/2023, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ nhiều ô tô nghi bị kẻ gian chọc thủng lốp khi đỗ trên vỉa hè bờ hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hiện Công an phường Hoàng Liệt và Công an quận Hoàng Mai đang phối hợp xác minh. Cùng ngày, mạng xã hội lan truyền thông tin hơn 20 ô tô đỗ trên vỉa hè hồ Linh Đàm bị chọc thủng lốp, các ô tô bị chọc thủng lốp cùng đỗ trên một đoạn vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh (cạnh hồ Linh Đàm). Ngoài ra, một số ô tô đỗ dưới lòng đường quanh khu vực này cũng bị chọc thủng lốp. (Link thông tin https://tuoitre.vn/hon-20-o-to-bi-choc-thung-lop-khi-do-tren-via-he-ha-noi-20230410101506367.htm?)

 

Phóng viên có nội dung hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý vụ việc này ra sao?

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận cần lên án mạnh mẽ. Pháp luật có chế tài bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức; mọi hành vi cố ý hay vô ý gây thiệt hại đến tài sản của người khác tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi đều phải chịu những chế tài pháp lý tương xứng.

 

Qua thông tin và diễn biến ban đầu cho thấy có hơn 20 xe ô tô bị chọc thủng lốp, giá trị của lốp xe cũng có sự khác nhau tùy thuộc mỗi loại xe, nhãn hiệu xe, hành vi này là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, cơ quan công an cần sớm vào cuộc điều tra để xác định người thực hiện hành vi chọc thủng lốp hàng loạt xe ô tô là ai, thực hiện hành vi với động cơ, mục đích gì, định giá tài sản thiệt hại… đối với các phương tiện, để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

 

Theo quy định pháp luật, nếu đây là nơi được phép trông giữ phương tiện và có đơn vị đứng ra nhận trông giữ xe, thì giữa đơn vị trông giữ phương tiện và chủ phương tiện có tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản, thì đơn vị trông giữ phương tiện phải có trách nhiềm bồi thường cho các chủ phương tiện theo quy định tại Điều 556 Bộ luật Dân sự năm 2015 "Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng". Nghĩa vụ của bên giữ tài sản "Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng" được quy định tại Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Đối với hành vi của đối tượng chọc thủng lốp các phương tiện, trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ do gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, cụ thể: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này, mức phạt tiền là từ 3-5 triệu đồng.

 

Còn nếu hành vi của đối tượng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" là làm mất một phần giá trị sử dụng của tài sản của người khác, khách thể của tội cố ý làm hư hỏng tài sản xâm phạm quan hệ về sở hữu. Người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.

 

Người phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: Để trả thù, vì ghen tuông… nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

 

“Làm hư hỏng tài sản” là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ). Hành vi làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338