Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thời gian gần đây phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng giả cách, bạn đọc có câu hỏi nhờ luật sư giải đáp: Thế nào là hợp đồng giả cách? Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách là gì?
Luật sư giải đáp: Theo Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Tuy nhiên, trong hợp đồng giả cách, nội dung và mục đích của giao dịch không được thể hiện theo hình thức của hợp đồng mà lại bị cố tình che giấu bởi một giao dịch khác được ngụy tạo.
Từ quy định trên có thể hiểu hợp đồng giả cách là một loại Hợp đồng được xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che dấu đi một giao dịch dân sự khác, thường xuất hiện trong các giao dịch dân sự về mua bán, chuyển nhượng hay vay tài sản.
Khi các chủ thể tham gia vào một giao dịch dân sự thì giữa nội dung, mục đích mong muốn của các bên sẽ được thể hiện trên một hình thức giao dịch dân sự đó, có thể bằng văn bản, lời nói hoặc một hành vi nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp giữa nội dung, mục đích, mong muốn của các bên khi tham gia vào giao dịch dân sự lại không được thể hiện bằng chính hình thức của giao dịch đó mà lại được che giấu, nguỵ tạo bằng một giao dịch dân sự khác.
Hợp đồng giả cách là một dạng hợp đồng rất phổ biến trong các giao dịch mua bán, vay vốn hoặc chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng này lại có tính chất rất đặc biệt và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các bên tham gia. Về cơ bản, hợp đồng giả cách được sử dụng để che giấu một giao dịch dân sự khác, thông qua việc xác lập một giao dịch dân sự không có thật thể. Những tài sản tham gia vào hợp đồng giả cách thường có giá trị lớn, chủ yếu là bất động sản.
Theo đó, sẽ tồn tại ít nhất hai giao dịch dân sự về một đối tượng mà các bên nhắm tới, đó là: (1) giao dịch dân sự giả tạo; (2) giao dịch dân sự có thật. Mục đích giao kết thực sự của các bên chỉ được thể hiện tại một giao dịch dân sự, còn một giao dịch dân sự kia nhằm che giấu giao dịch dân sự có thật.
Hợp đồng giả cách là một loại giao dịch giả tạo và được quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo sẽ vô hiệu, còn giao dịch thực chất vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp vô hiệu theo quy định khác của pháp luật. Điều này có nghĩa là giao dịch được thiết lập với mục đích giả tạo sẽ không có giá trị pháp lý và không tác động đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào giao dịch đó.
Hợp đồng giả cách sẽ dẫn tới hậu quả vô hiệu, hậu quả pháp lý này được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập; Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338