Language:

Hướng dẫn - Giải đáp

Việc bổ sung ngày, tháng sinh trong trường hợp thông tin về ngày sinh trong Giấy khai sinh cũng như các giấy tờ cá nhân là ngày 29, 30 tháng 02 thì thực hiện như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, nếu người yêu cầu biết thông tin về ngày, tháng sinh của mình thì cho người đó lập văn bản cam đoan để xác định ngày, tháng sinh theo văn bản cam đoan. Trường hợp người có yêu cầu không nhớ ngày, tháng sinh thì vận dụng quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 22 Thông tư số 15/2015/TT-BTP để xác định ngày, tháng sinh (nếu không xác định được ngày sinh thì ngày đầu tiên của tháng sinh; nếu không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh.

Về cải chính quê quán trong Giấy khai sinh, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về việc cải chính quê quán trong Giấy khai sinh

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, pháp luật về hộ tịch hiện hành chưa có quy định về việc thay đổi quê quán, bổ sung quê quán, kể cả các trường hợp là trẻ con ngoài giá thú đã xác định quê quán theo mẹ, sau đó được làm thủ tục cha nhận con. Do vậy, trong trường hợp cụ thể, nếu người dân yêu cầu, để đảm bảo quyền lợi của trẻ em, đề nghị vận dụng quy định của pháp luật về thay đổi hộ tịch để giải quyết yêu cầu thay đổi quê quán trong Giấy khai sinh cho trẻ.

Đối với thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch thì thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì: “Đối với việc đăng ký hộ tịch phải tiến hành xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định này thì thời gian gửi văn bản yêu cầu và thời gian trả lời kết quả không tính vào thời gian giải quyết việc hộ tịch”; khoản 1 Điều 4, Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định: Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư này, nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan của mình.

Trường hợp có sự sai lệch thông tin giữa Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch thì căn cứ vào loại giấy tờ nào để thực hiện việc cải chính

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, sau khi công chức tư pháp xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch trong Sổ hộ tịch, hoặc trong Giấy khai sinh thì: nếu Sổ hộ tịch sai thì cải chính sổ hộ tịch, nếu bản chính Giấy khai sinh sai thì cải chính bản chính Giấy khai sinh; nếu cả Sổ hộ tịch và bản chính khai sinh đều sai thì cải chính trong sổ hộ tịch, đồng thời ghi chú vào mặt sau bản chính Giấy khai sinh.

Bản chính giấy khai sinh đã có họ, tên chính thức, sau đó vì lý do khách quan hay chủ quan, người dân yêu cầu được thay đổi chữ đệm hay tên thì có được xem xét để thay đổi không?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo quy định tại Điều 28 cho phép các trường hợp (từ điểm a đến điểm e) sau khi đã đăng ký khai sinh, nếu cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi tên khi có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết, không phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký khai sinh của công dân.

Trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho cán bộ chiến sỹ lực lượng công an, bộ đội không đăng ký hộ khẩu tại địa phương nhưng có hộ khẩu tập thể tại đơn vị đóng quân?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú (trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú), thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nhưng không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo hướng dẫn tại Công văn số 1576/HTQTCT-HT ngày 23/11/2016 của Bộ Tư pháp thì: Trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nước ngoài, nay về thường trú tại Việt Nam khi yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì phải có giấy xác tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài. Trường hợp người đó không chứng minh được thì UBND cấp xã vận dụng quy định tại Điều 4 Thông tư số 15/2015/TT-BTP cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về việc không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài, tự chịu trách nhiệm về tình trạng hôn nhân của mình và hệ quả pháp lý về việc cam đoan không đúng sự thật theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15/2015/TT-BTP. Trên cơ sở đó, UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân.

Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trước thời điểm kết hôn để bổ túc hồ sơ nhà đất có được không?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, theo hướng dẫn tại Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP thì phạm vi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bao gồm cả việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian đăng ký thường trú trước đây, xác nhận tình trạng hôn nhân cho người chưa kết hôn và người đang có vợ, có chồng.