Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Thứ hai, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Thứ ba, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Xác định tuổi của người gây thiệt hại theo quy định tại Điều 586 của Bộ luật Dân sự:
Tại Điều 4 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP về việc xác định tuổi của người gây thiệt hại theo quy định tại Điều 586 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:
(1) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;
(2) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;
(3) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;
(4) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;
(5) Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Lưu ý: Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định B có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của B là 13 tuổi 6 tháng.