Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Câu hỏi bạn đọc: Luật sư cho tôi hỏi hành vi mua bán trái phép hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử lý ra sao?
Giải đáp của luật sư:
Trước tiên cần khẳng định cả 02 hành vi là "mua bán trái phép hóa đơn" và "sử dụng hóa đơn bất hợp pháp" đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm sẽ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài xử phạt vi phạm hành chính:
Tại Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi cho, bán hóa đơn như sau:
(1) Đối với hành vi cho, bán hóa đơn:
- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 45 triệu đồng đối với hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; Cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ các hành vi ở trên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành cho, bán hóa đơn.
(2) Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp:
- Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng.
- Ngoài ra, tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt là 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi này là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước; buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).
- Hơn nữa, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của hành vi vi phạm.
- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước và điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Chế tài hình sự:
(1) Tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội trốn thuế. Trốn thuế được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số tiền thuế phải nộp theo quy định hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. “cá nhân” sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; đối với “pháp nhân” mức xử phạt sẽ là từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
(2) Tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành. Theo đó, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu là “pháp nhân” vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338