Hiện nay hợp đồng gửi giữ tài sản là một giao dịch dân sự phổ biến, sự phát triển của mạng lưới dịch vụ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân, giảm bớt tình trạng mất mát và đảm bảo sự an toàn cho tài sản. Tại Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Trong quan hệ hợp đồng, quyền của bên này luôn được đảm bảo bởi nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, trong các hợp đồng thông dụng cụ thể mà luật định các quyền và nghĩa vụ của các bên, ngoài việc quy định mang tính đối xứng nhau, quyền và nghĩa vụ của các bên luôn được pháp luật hướng tới ghi nhận theo hướng cụ thể nhất để trở thành công cụ giải quyết tranh chấp nếu có.
Tại Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản. Theo đó, bên giữ tài sản có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. Cụ thể:
Nghĩa vụ bảo quản tài sản theo thỏa thuận, trả lại tài sản đúng tình trạng, nghĩa vụ bảo quản tài sản bao gồm của việc trông giữ tài sản và áp dụng các biện pháp nhằm giữ gìn tài sản tránh việc bị hư hỏng; mỗi loại tài sản có một cách bảo quản khác nhau, thông thường bên giữ tài sản tự áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản đó. Nhưng đối với một số tài sản đặc biệt, bên gửi có thể báo cho bên giữ biết về tình trạng và cách bảo quản tài sản thì bên giữ tài sản phải áp dụng các biện pháp đó. Khi nhận giữ tài sản, bên gửi có nghĩa vụ thông báo cho bên giữ biết về tình trạng của tài sản, bên giữ cũng có thể kiểm tra lại và ghi nhận nó trong nội dung của hợp đồng. Khi trả lại tài sản bên giữ phải đảm bảo tình trạng của tài sản không bị giảm sút mà đúng như tình trạng ban đầu đã nhận.
Nghĩa vụ không được thay đổi cách bảo quản tài sản, với những tài sản mà khi gửi bên gửi có thông báo về cách bảo quản tài sản thì bên giữ phải áp dụng biện pháp bảo quản tài sản đó; pháp luật loại trừ trường hợp bên giữ được thay đổi cách bảo quản tài sản khi xét thấy việc thay đổi đó là cần thiết; bên giữ tài sản bằng kinh nghiệm chuyên môn của mình có thể thấy cách bảo quản mà bên gửi yêu cầu không phù hợp, có thể gây thiệt hại cho tài sản mà có cách bảo quản hiệu quả hơn thì có thể thay đổi. Có thể thấy bên gửi mới là bên có quyền với tài sản, bên giữ chỉ đơn giản là thực hiện trông coi, giữ gìn tài sản theo yêu cầu của bên gửi; vì thế việc thay đổi phải được thông báo cho bên gửi tài sản biết.
Nghĩa vụ thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó, hiện nay tài sản gửi giữ có thể là tài sản dễ hư hỏng hoặc bị tiêu hủy, nên nếu bên giữ nhận thấy tài sản có nguy cơ bị hư hỏng, tiêu hủy thì có nghĩa vụ phải báo cho bên gửi biết và yêu cầu họ giải quyết trong một thời hạn nhất định; đây cũng là một phần trong nghĩa vụ bảo quản tài sản của bên giữ tài sản, bên giữ phải chú ý đến sự thay đổi của tài sản tránh để tài sản bị hư hỏng, mất mát. Trong trường hợp mặc dù đã thông báo cho bên gửi biết về tình trạng tài sản mà bên gửi không trả lời, thì bên giữ có quyền thực hiện áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí. Khi bên giữ đã thực hiện nghĩa vụ thông báo nhưng bên gửi không trả lời thì xem như bên gửi là bên có lỗi, việc áp dụng biện pháp bảo quản nhằm bảo vệ cho tài sản của bên gửi cũng là bảo vệ cho lợi ích của chính bên gửi; nên việc bên gửi phải thanh toán chi phí là hoàn toàn phù hợp.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng thì bên giữ phải chịu trách nhiệm, từ đó làm phát sinh nghĩa vụ của bên gửi trong việc bồi thường thiệt hại nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng. Theo nguyên tắc chung thì chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi có lỗi của mình; bên giữ có lỗi trong việc để tài sản bị mất hoặc hư hỏng. Tuy nhiên pháp luật đã loại trừ trách nhiệm của bên giữ tài sản khi thiệt hại xảy ra do trường hợp bất khả kháng, đây là quy định nhằm bảo vệ lợi ích của bên giữ tài sản, tránh việc phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại xảy ra không do lỗi của mình; quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất mát, hư hỏng thực chất là hậu quả của việc bên giữ không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo quản, trông giữ tài sản, nhằm ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc bảo quản tốt tài sản gửi giữ. Vì ngay như tại khoản 1 Điều 555 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên gửi vẫn phải tự chịu trách nhiệm khi tài sản gửi giữ bị thiệt hại, hư hỏng vì xuất phát từ lỗi của chính mình hoặc thiệt hại xảy ra trong tình thể cấp thiết, phòng vệ chính đáng... người phải bồi thường không phải là bên giữ mà có thể là một chủ thể thứ ba.
Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản
1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338