Language:
Người dân cảnh giác thủ đoạn tội phạm gọi điện báo con đang cấp cứu ở Bệnh viện
08/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin vụ việc, sáng 06/03, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 4 phụ huynh báo bị kẻ xấu thông tin "con nhập viện cấp cứu", đã chuyển khoản tổng cộng 240 triệu đồng, nâng số người bị lừa tiền lên 7. Các phụ huynh này lần lượt đến bệnh viện tìm con, trong buổi sáng. Họ cho biết nhận được điện thoại từ người lạ báo tin con cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cần chuyển khoản tiền để mổ gấp. Ba phụ huynh chuyển khoản xong, đến viện tìm con mới biết bị lừa. (Link thông tin https://vnexpress.net/them-4-phu-huynh-bi-ke-xau-mao-danh-cho-ray-lua-con-cap-cuu-4578064.html?)

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị KhuyênLuật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hiện nay tội phạm lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện các hành vi phạm tội tương đối nhiều và phổ biến, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc cha mẹ nhận được điện thoại từ người lạ báo tin con đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cần chuyển khoản tiền để mổ gấp đây là thủ đoạn mới mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản thực hiện để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, người dân cần hết sức tỉnh táo.

 

Trong vụ việc này, các nạn nhân cần trình báo cơ quan công an để cơ quan công an điều tra sự việc và tuyên truyền thủ đoạn mới mà tội phạm lợi dụng để lừa đảo người dân, giúp người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng tránh ngày càng nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức thủ đoạn này.

 

Hành vi đưa ra thông tin gian dối để các nạn nhân tin tưởng và giao tài sản ở trường hợp này cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc xử lý vụ việc nhanh chóng theo quy định pháp luật.

 

Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

 

Dấu hiệu bắt buộc của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

 

Hậu quả của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Về mối quan hệ nhân quả, hậu quả thiệt hại về tài sản phải được xuất phát từ hành vi lừa dối. Nếu việc thiệt hại về tài sản từ nguyên nhân khác thì sẽ dựa vào những dấu hiệu khách quan để xác định xem có dấu hiệu của tội phạm không và được pháp luật điều chỉnh như thế nào.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338