Language:
Người mẹ dùng búa đánh chết con trai, trách nhiệm pháp lý ra sao?
28/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Thông tin từ báo chí, ngày  25/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã dẫn giải bà HMN về lại nhà ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) để thực nghiệm điều tra về hành vi dùng búa đánh chết con trai. Theo đó, khoảng 9 giờ ngày 5/3/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận tin báo về việc anh YKN (ngụ xã Ea Tul) tử vong tại phòng ngủ, không rõ nguyên nhân. Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định đây là vụ án mạng và đối tượng tình nghi chính là mẹ nạn nhân. (Link thông tin https://zingnews.vn/me-bat-khoc-truoc-khi-dung-bua-sat-hai-con-trai-post1415378.html)

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, đây là một bi kịch đau lòng khi người mẹ đã ra tay sát hại con ruột của mình, cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét làm rõ “tinh thần” của người phụ nữ này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân thì có thể chuyển tội danh sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh để giải quyết cho phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Đây là một vụ án mạng đau lòng mà hung thủ gây án chính là mẹ của nạn nhân, điều đáng chú ý lý do gây án là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, kéo dài của nạn nhân đối với người mẹ và những người thân trong gia đình. Đây là nguyên nhân động cơ phạm tội của người phụ nữ này, đồng thời là yếu tố tác động lên tinh thần của đối tượng gây án. Bởi vậy trong quá trình điều tra làm rõ hành vi phạm tội, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ mặt chủ quan của tội phạm, trong đó có yếu tố lỗi, động cơ, mục đích.

 

Trong vụ việc này, với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, với những dấu vết để lại trên hiện trường của vụ án, lời khai của người làm chứng và lời khai của người phụ nữ là nghi phạm của vụ án thì đã rõ mặt khách quan của tội phạm, đó là hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng của người khác, để xác định hành vi này cấu thành tội phạm là tội danh nào thì cần làm rõ mặt chủ quan của tội phạm (là lỗi, động cơ và mục đích) để xác định chính xác tội danh là tội giết người hay tội giết người trong trạng thái tinh thần để bị kích động mạnh.

 

Theo quy định của pháp luật, hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là hành vi giết người. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định trong trường hợp nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng gây kích động mạnh đến tinh thần của người khác khiến người bị kích động mạnh về tinh thần đã thực hiện hành vi thiếu kiểm chế, thiếu kiểm soát dẫn đến tước đoạt tính mạng của người đó thì sẽ có tội danh riêng, đó là tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Thế nào là tinh thần kích động mạnh là vấn đề cần phải làm rõ để giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tinh thần bị kích động mạnh không chỉ là kích động tức thời, do bực tức mà cũng có thể là do bị đè nén, bức xúc kéo dài. Cụ thể, hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tình tiết tinh thần bị kích động mạnh như sau:

 

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

 

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

 

Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

 

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ diễn biến chuỗi hành vi của bị hại và của bị can để xác định hành vi của người bị hại có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay không, hành vi trái pháp luật của người bị hại đã tác động đến tinh thần của bị can và những người khác như thế nào. Nếu hành vi trái pháp luật nghiêm trọng diễn ra nhiều lần, kéo dài, khiến cho bị can bị áp lực, tinh thần bị dồn nén dẫn đến ảnh hưởng đến việc nhận thức và điều khiển hành vi thì có thể chuyển tội danh sang Điều 125 - Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh để xử lý cho đúng tội, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.

 

Trong trường hợp chuyển tội danh từ tội giết người sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phụ nữ này sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất có thể tới 3 năm tù. Còn trường hợp kết quả điều tra không đủ căn cứ để xác định tinh thần của bị can là kích động mạnh, sẽ xử lý về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự thì cũng phải xác định người bị hại có lỗi một phần và khung hình phạt có thể xử lý là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338