Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Câu hỏi bạn đọc: Luật sư cho tôi hỏi, nếu người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì có được đứng tên nhà ở tại Việt Nam không?
Giải đáp bạn đọc:
Tại khoản 3 Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về các trường hợp được xét cho thường trú. Theo đó, người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh. Từ quy định này có thể thấy khi người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì công dân Việt Nam có thể bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam để đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.
Tại điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định: “Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 cũng đã có quy định quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau: Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này có quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định: “Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong giao dịch mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có quyền của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Như vậy, từ các quy định mới tại Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Nhà ở năm 2014 đều quy định: Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, nếu vợ hoặc chồng là người nước ngoài nhưng kết hôn với một công dân Việt Nam thì sẽ được đứng tên chung cư theo quy định của pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338