Tại Điều 45 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nơi cư trú của người làm nghề lưu động. Theo đó, nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Ðiều 40 của Bộ luật Dân sự.
Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã). Nơi cư trú được của công dân bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú. Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú và nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Cư trú năm 2020, nơi thường trú là là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú; nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú và nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống.
Xác định nơi cư trú của người sinh sống, hành nghề trên các phương tiện có khả năng di chuyển:
Điều 16 Luật Cư trú năm 2020, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác. Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.
Nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện là địa điểm thực tế được phép đậu, đỗ mà phương tiện đó đậu, đỗ nhiều nhất trong 12 tháng liên tục do chủ phương tiện tự xác định và đã đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi phương tiện đó đậu, đỗ. Trong đó, người làm nghề lưu động tức những người lao động không có địa điểm cố định.
Các quy định này thể hiện sự phù hợp, tương thích với quy định tại Điều 45 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về nơi cư trú của người làm nghề lưu động. Điều 45 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa nguyên vẹn quy định tại Điều 57 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, nội dung quy định này cũng còn một số điểm chưa thực sự rõ ràng.
Tuy tên của điều luật xác định về nơi cư trú của người làm nghề lưu động nhưng điều luật mới xác định nghề lưu động là nghề gắn liền với tàu, thuyền và chưa liệt kê rõ phương tiện hành nghề lưu động khác là phương tiện gì. Do đó, những người làm nghề như lái xe đường dài trong trường hợp này nên xác định nơi cư trú theo Điều 45 về nơi cư trú của người làm nghề lưu động hay theo khoản 2 Điều 40 là nơi người đó đang sinh sống nếu những cá nhân này không có nơi thường xuyên sinh sống? Ngoài ra, trên thực tế, có nhiều trường hợp các phương tiện lưu động, bao gồm cả tàu, thuyền, nếu không xác định được nơi đăng ký phương tiện, những cá nhân này cũng không có nơi thường xuyên sinh sống tại một địa điểm cố định thì nơi cư trú của họ được xác định ra sao? Để đảm bảo việc định hướng hợp lý của điều luật cũng như là căn cứ để có thể áp dụng trên thực tế, các bất cập của điều luật nên được định hướng và bổ sung cho phù hợp.
Hồ sơ đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện có khả năng di chuyển:
Căn cứ tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định 62/2021/NĐ-CP hồ sơ đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện thành phần gồm:
- Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 62/2021/NĐ-CP;
- Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu còn hạn sử dụng của chủ phương tiện;
- Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;
- Hợp đồng thuê bến bãi cho phương tiện (nếu có).
Công dân có thể cung cấp bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký để đơn vị tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu.
Trình tự đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện có khả năng di chuyển:
Khoản 3, Khoản 4, Điều 3, Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định về trìnht ự đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện có khả năng di chuyển như sau:
- Chủ phương tiện nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nơi không có đơn vị hành chính cấp xã)
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã xem xét, xác nhận vào Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện cho chủ phương tiện.
- Chủ phương tiện sử dụng Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện đã được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã xác nhận để đăng ký thường trú, tạm trú cho bản thân mình hoặc người khác sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện nếu chưa có nơi thường trú, tạm trú nào khác.
- Trường hợp chủ phương tiện thay đổi nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện thì phải đăng ký lại nơi thường xuyên đậu, đỗ và thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú mới theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Điều 45. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động
Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Ðiều 40 của Bộ luật này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338