Tại Điều 17 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Theo đó, quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
(1) Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản:
Theo nguyên tắc có tính chất truyền thống của pháp luật dân sự, quyền nhân thân chỉ liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể, không có giá trị tài sản và không thể chuyển giao cho chủ thể khác (như quyền đối với họ tên, hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm, bí mật đời tư, chuyển đổi giới tính…).
Các quyền nhân thân không gắn với tài sản (còn gọi là quyền nhân thân thuần tuý, không liên quan đến tài sản) được quy định từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong quyền nhân thân còn có nhóm quyền liên quan đến quan hệ tài sản; hoặc quyền nhân thân là tiền đề làm phát sinh các quan hệ tài sản như quyền nhân thân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Chủ thể không những có những quyền nhân thân không liên quan đến tài sản mà còn có các quyền nhân thân liên quan đến tài sản. Đó là quyền theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ như: đứng tên tác giả trong các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật… thì chủ thể còn được nhận tiền nhuận bút, tiền thưởng, tiền bí quyết kỹ thuật trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Đặc điểm của các quy định về quyền nhân thân được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là xác nhận lại các quyền nhân thân truyền thống đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật và hai Bộ luật Dân sự trước đó như danh dự, uy tín, nhân phẩm, tên gọi… và bổ sung một số quyền nhân thân mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn hiện nay như: quyền chuyển đổi giới tính; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Nội dung các quyền nhân thân mới này là những nhu cầu và đòi hỏi của xã hội, khi điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội cho phép.
Bảo vệ, tôn trọng quyền nhân thân không những được Bộ luật Dân sự ghi nhận mà còn là một quy định có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi nền kinh tế – xã hội ngày càng phát triển. Trước đây, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 1995 còn quy định: “Không ai được làm dụng quyền nhân thân của mình xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân của người khác”.
(2) Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản:
Đây là một trong những nội dung quan trọng và phổ biến của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa các quy định của Điều 32 Hiến pháp năm 2013 thì mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác và quy định tài sản thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng và giá trị bao gồm thu nhập hợp pháp, của cải để dành; nhà ở; các loại tư liệu sản xuất; tư liệu sinh hoạt; các loại vốn; hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác.
Về nguyên tắc, cá nhân chỉ bị hạn chế quyền sở hữu đối với những tài sản mà pháp luật quy định cá nhân không có quyền sở hữu hay không thuộc quyền sở hữu tư nhân.
Ngoài các quyền sở hữu trên đây, cá nhân còn có quyền để lại di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật; quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản thừa kế. Cá nhân còn có các quyền khác đối với tài sản như: dùng tài sản làm vật bảo đảm trong các quan hệ về nghĩa vụ theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền tặng cho, cho thuê, cho mượn… theo ý chí của cá nhân có tài sản thuộc sở hữu của mình.
(3) Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó:
Đây là nhóm quyền tạo ra những điều kiện để cá nhân tham gia các quan hệ dân sự để thỏa mãn các nhu cầu của cá nhân đó về lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Các quyền này được thể hiện trong nguyên tắc của luật dân sự được ghi nhận tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Các quyền này còn được thể hiện cụ thể và quy định chi tiết trong các phần tương ứng của Bộ luật Dân sự năm 2015 tuỳ theo tính chất đặc thù của các quan hệ dân sự mà cá nhân đó tham gia.
Quyền tham gia vào quan hệ dân sự của cá nhân và có các quyền dân sự, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các quan hệ đó. Quyền dân sự, nghĩa vụ dân sự của cá nhân còn có thể phát sinh từ các căn cứ khác như: quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền tham gia hoặc không tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ nhất định, quyền từ chối không thực hiện một nghĩa vụ dân sự trong những trường hợp pháp luật dân sự cho phép không thực hiện…
Tham gia vào các quan hệ dân sự thông qua các giao dịch dân sự là phương thức quan trọng và thông dụng nhất làm phát sinh các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự của cá nhân.
Điều 17. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.
3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338