Tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của người lập di chúc. Theo đó, người lập di chúc có quyền như: Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Cụ thể:
Quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế: Việc lập di chúc chính là một hình thức định đoạt tài sản của chủ sở hữu, di chúc khác với các hình thức định đoạt tài sản khác ở chỗ nó chỉ có hiệu lực khi người có di sản chết; điều này không làm ảnh hưởng đến quyền định đoạt tài sản của các chủ thể, người lập di chúc có quyền để lại tài sản cho bất kì chủ thể nào. Người nhận di sản không nhất thiết phải là người có cùng huyết thống, mà có thể là bất kỳ cá nhân nào thậm chí có thể là Nhà nước, các tổ chức khác. Quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc còn thể hiện ở chỗ họ có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; điều này được hiểu là việc người lập di chúc không cho người thừa kế được hưởng di sản thừa kế mà người đó đáng được hưởng, mà không nhất thiết phải có lý do, người bị truất quyền thừa kế có thể là một hay nhiều người tùy thuộc vào ý chí của người để lại dia sản.
Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế: Phân định tài sản trong di chúc diễn ra khi có cùng lúc nhiều người thừa kế, người lập di chúc có thể chia phần tài sản của mình cho những người thừa kế không nhất thiết phải bằng nhau, có thể có người được hưởng di sản nhiều hơn những người còn lại; nếu trong di chúc chỉ chỉ định những người thừa kế mà không phân định di sản cho từng người, thì di sản sẽ được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc.
Quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng: Di sản được chia làm nhiều phần, một phần trong số đó được dùng vào việc thờ cúng, di tặng theo ý nguyền của người lập di chúc. Thờ cúng là một nét truyền thống sống văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, thể hiện lòng tôn kính với người đã chết, vì thế Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các truyền thống tốt đẹp này, pháp luật cho phép cá nhân dùng một phần tài sản của mình vào việc thờ cúng, phần di sản thờ cúng không được tính vào di sản thừa kế. Di tặng là việc để lại di sản tặng cho một chủ thể nào đó đang sống làm kỉ niệm, người hưởng tài sản di tặng có quyền sở hữu đối với phần di sản được hưởng mà không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại.
Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế: Người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế cho những người thừa kế theo pháp luật mà có thể để lại hoặc không để lại di sản cho người đó; trong trường hợp không để lại di sản, thì người thừa có thể từ chối việc thực hiện nghĩa vụ được giao; trường hợp có để lại di sản, lúc này người thừa kế tối thiểu phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng hoặc có thể thực hiện nghĩa vụ vượt quá phần di sản được hưởng.
Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản: Việc chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của người lập di chúc, nhưng việc có thực hiện hay không lại phụ thuộc vào chủ thể được chỉ định; đây không phải là nghĩa vụ pháp lý mang tính bắt buộc mà là biểu hiện tinh thần tự nguyện, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau; người lập di chúc có thể chỉ định một hoặc nhiều người thực hiện công việc trên, tùy thuộc vào ý chí và niềm tin của họ.
Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338