Language:
Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu (Điều 195)
07/05/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật, quyền định đoạt tài sản thuộc về chủ sở hữu tài sản. Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật. Định đoạt dưới góc độ pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không phải chủ sở hữu những vẫn có quyền định đoạt tài sản.

 

Tại Điều 195 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu như sau: Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

 

Có thể thấy khi một chủ thể không phải chủ sở hữu nhưng lại có quyền định đoạt đối với tài sản khi có căn cứ: (1) Theo sự ủy quyền định đoạt của chủ sở hữu; (2) Theo quy định của pháp luật.

 

Đối với căn cứ "theo sự ủy quyền định đoạt của chủ sở hữu", thì người được ủy quyền nhân danh chủ sở hữu để xác lập các hợp đồng bán, tặng cho, trao đổi, cho vay vì lợi ích của chủ sở hữu. Theo quy định của Luật Công chứng, cụ thể: Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

 

Đối với căn cứ "theo quy định của pháp luật", thì những người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Đó là các trường hợp: cơ quan thi hành án có quyền ký hợp đồng thuê bán đấu giá tài sản; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những tài sản vi phạm quy định của pháp luật để sung công quỹ; bên giữ tài sản có quyền bán tài sản nếu những tài sản đó có nguy cơ hư hỏng, mất giá trị nếu không được xử lý ngay...

 

Như vậy, theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì không chỉ có chủ sở hữu, người không phải là chủ sở hữu cũng có thể định đoạt tài sản. Tuy nhiên quyền định đoạt của hai chủ thể này có sự khác biệt. Trong khi chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản do bản thân quyền sở hữu bao gồm quyền định đoạt tài sản, họ có đầy đủ các quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định pháp luật. Như vậy, quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu nhìn chung hạn chế hơn so với chủ sở hữu.

 

Điều 195. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338