Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Quyền tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Còn tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Phân tích:
Phân loại quyền tài sản, gồm:
- Quyền đối vật và quyền đối nhân.
- Quyền tài sản có thể chuyển giao và quyền tài sản không thể chuyển giao.
- Quyền tài sản được thực hiện trên vật hữu hình, quyền tài sản được thực hiện trên vật vô hình và quyền tài sản được thực hiện thông qua hành vi của con người.
- Quyền tài sản phải đăng ký và quyền tài sản không phải đăng ký.
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, không đòi hỏi phải có sự chuyển giao trong giao dịch dân sự. Đối với quyền tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đáp ứng được hai yêu cầu là trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao cho người khác trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng tài sản thuê, quyền trị giá bằng tiền, quyền thực hiện hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ. Những quyền tài sản khác gắn với nhân thân thì không được chuyển giao như quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Quyền tài sản bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản có thể được phân chia thành hai loại: quyền đối vật và quyền đối nhân. Quyền đối vật là quyền của chủ thể được tác động trực tiếp vào vật để thỏa mãn nhu cầu của mình như quyền sở hữu, quyền cầm cố, quyền thế chấp, quyền hưởng hoa lợi… Quyền đối nhân là quyền của chủ thể này đối với chủ thể khác. Quyền đối nhân được đáp ứng nếu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền. Ví dụ quyền yêu cầu trả nợ, giao vật…
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định quyền tài sản là bất động sản hay động sản. Việc xác định quyền tài sản là bất động sản hay động sản dựa vào đặc điểm của đối tượng mang quyền. Ví dụ, quyền sử dụng đất, quyền đối với bất động sản liền kề gắn liền với đất nên phải được xác định là bất động sản; quyền thế chấp tàu biển, quyền cầm cố xe máy, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp là động sản…
Chủ sở hữu có quyền như thế nào đối với quyền tài sản của mình:
Chủ sở hữu có quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Cụ thể, tại Điều 158 và Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Về các quyền khác đối với tài sản, đây là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
Ngoài ra, tại Điều 160 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Đối với chủ thể có quyền khác đối với tài sản, có quyền được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Điều 115. Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338