Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Tại Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sử dụng tài sản vay. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Là người cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay, cho nên khi đến hạn của hợp đồng, bên vay phải tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng đã ký kết. Bên vay phải trả đủ tiền hoặc tài sản đã vay và tiền lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Nếu đối tượng hợp đồng là tài sản thì bên vay phải trả bằng tài sản cùng loại. Nếu hợp đồng cho vay không kỳ hạn, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ thì bên vay phải thực hiện hợp đồng trong thời gian thỏa thuận. Bên vay cũng có thể thực hiện hợp đồng bất cứ thời gian nào, thời điểm này được coi là thời điểm chấm dứt hợp đồng cho vay không kỳ hạn. Trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản của bên vay có đúng mục đích như thỏa thuận hay không. Nếu sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thỏa thuận, bên cho vay có quyền hủy hợp đồng theo quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nếu hợp đồng có kỳ hạn mà bên vay trả nợ trước thời hạn thì phải trả toàn bộ nợ gốc và lãi của cả thời kỳ vay trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Bởi vì khi cho vay, bên cho vay đã xác định trong thời gian cho vay đó không sử dụng tài sản, tiền vào mục đích khác, do vậy khi trả lại tài sản thì bên cho vay chưa có kế hoạch sử dụng tài sản đó, tức là bên cho vay sẽ bị động khi bên vay trả tài sản trước thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, khi các bên đã thỏa thuận và thống nhất về mục đích sử dụng tài sản vay thì bên vay có nghĩa vụ phải thực hiện đúng với mục đích đã cam kết với bên cho vay. Để chắc chắn bên vay không sử dụng tài sản vay sai mục đích, pháp luật cho phép bên cho vay được quyền kiểm tra quá trình sử dụng tài sản của bên vay. Nếu phát hiện bên vay sử dụng không đúng mục đích đã cam kết bên cho vay có quyền nhắc nhở bên vay, sau khi nhắc nhở mà bên vay vẫn tiếp tục vi phạm thì bên cho vay có thể đòi lại tài sản vay trước thời hạn. Đây là hậu quả mà bên vay phải gánh chịu khi vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định này của pháp luật nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của bên cho vay. Quy định này cho phép bên cho vay kiểm soát số tiền cho vay của mình được sử dụng một cách hiệu quả. Việc sử dụng tài sản vay đúng mục đích còn liên quan đến khả năng trả nợ của bên vay, hạn chế trường hợp bên vay lãng phí tài sản dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, khiến cho bên cho vay khó khăn trong việc thu hồi nợ. Việc áp dụng quy định này thường thấy ở hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, vì xác định mục đích vay của khách hàng đối với tổ chức tín dụng mà nói là cơ sở để xác lập thực hiện hợp đồng tín dụng.
Điều 467. Sử dụng tài sản vay
Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338