Language:
Tác động của hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự, đối với bị cáo và cộng đồng xã hội
08/12/2022
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

 

Mặc dù hiện nay, xét xử lưu động đang được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới - Một nhà nước mà tự do và phẩm giá con người cho dù họ là người bị buộc tội, được đưa lên hàng đầu thì có lẽ phải đặt ra vấn đề nên hay không nên duy trì các phiên toà xét xử lưu động vụ án hình sự.

 

 

1. Xét xử lưu động vụ án hình sự ở Việt Nam, nhìn từ góc độ lý luận

 

Hiện nay, từ Hiến pháp đến các văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức tòa án… đến các văn bản pháp luật khác có liên quan vẫn chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về “xét xử lưu động vụ án hình sự”. Pháp luật cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xét xử lưu động vụ án hình sự, chưa đưa ra các tiêu chí để thực hiện hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự… Tuy nhiên, thực tế hoạt động xét xử lưu động vẫn thường xuyên diễn ra như một hoạt động thường kỳ của tòa án với mục đích để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một giai đoạn đoạn tố tụng hình sự, diễn ra sau các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. Giai đoạn xét xử sơ thẩm là giai đoạn thứ tư và cuối cùng, trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó cấp Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành: “Áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử; Đưa vụ án hình sự ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm để xem xét về thực chất vụ án, đồng thời trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của hai bên phán xét về vấn đề tính chất tội phạm của hành vi, có tội của bị cáo và cuối cùng, tuyên bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục”.

 

Xét xử là một giai đoạn tố tụng hình sự trung tâm và quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn xét xử của Tòa án nói riêng và toàn bộ hoạt động tư pháp hình sự của Nhà nước nói chung, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.

 

Điều 257, Điều 423, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có quy định chung về phòng xử án thể hiện: “Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác”. Đối với việc xét xử người dưới 18 tuổi, Khoản 4 Điều 423 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”. Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) có quy định: “Phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án ở trụ sở Tòa án hoặc ở nơi xét xử lưu động ngoài trụ sở Tòa án (gọi chung là phòng xử án)”. Tiếp đó, để triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Chánh án TANDTC đã có Công văn số 88/TANDTC-PC về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án quy định về vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phiên tòa hình sự.

 

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật này cũng chưa có quy định chi tiết, cụ thể về phòng xử án trong xét xử lưu động vụ án hình sự, trình tự, thủ tục xét xử lưu động vụ án hình sự cũng như các tiêu chí khi xét xử lưu động vụ án hình sự nhưng thực tiễn phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự vẫn thường xuyên diễn ra.

 

Đến nay cũng chưa có khái niệm về “Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự” nhưng có thể hiểu Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự là việc toà án xét xử công khai vụ án hình sự tại một địa điểm công cộng như trụ sở Ủy ban nhân dân, Trường học, Sân vận động… nơi vụ án xảy ra, nơi phát sinh mâu thuẫn hoặc nơi cư trú của bị cáo… chứ không phải là tổ chức ở địa điểm xét xử thường xuyên là tại phòng xử án bố trí tại trụ sở tòa án.

 

Trình tự, thủ tục tố tụng của vụ án hình sự xét xử lưu động cũng giống như các phiên toà hình sự bình thường theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Kết quả xét xử, bị cáo bị xét xử bằng phiên toà lưu động vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định của pháp luật nếu họ có tội, được ghi nhận trong bản án.

 

 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cùng các văn bản pháp luật hiện hành không quy định hay phân biệt cụ thể về trình tự, thủ tục xét xử lưu động vụ án hình sự hay phiên tòa lưu động vụ án hình sự. Các văn bản về tố tụng hình sự trước khi có hai bộ luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không thấy có quy định chính thức nào. Tuy nhiên, căn cứ vào các báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân Tối cao hằng năm thì việc tổ chức phiên tòa lưu động, nhất là phiên tòa hình sự, đã là một hoạt động thường niên như một thông lệ, để góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong những năm qua ngành Tòa án đã tăng cường đưa các vụ án (chủ yếu là án hình sự) ra xét xử lưu động trên khắp các địa phương trên cả nước.

 

Hiện nay, còn có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc có nên hay không nên đưa các vụ án ra xét xử lưu động và những ảnh hưởng, hệ lụy của việc đưa vụ án ra xét xử lưu động đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Để làm rõ vấn đề có nên hay không nên xét xử lưu động nói chung, xét xử lưu động vụ án hình sự nói riêng thì cần phải có tổng kết thực tiễn, phân tích, đánh giá những mặt tích cực và những mặt hạn chế của hoạt động tố tụng này. Từ đó, chúng ta mới có thể luật hóa hay không luật hóa hoạt động xét xử lưu động.

 

2. Xét xử lưu động ở Việt Nam, nhìn từ góc độ thực tiễn

 

Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về xét xử lưu động. Tuy nhiên, căn cứ vào các báo cáo tổng kết công tác xét xử của Toà án nhân dân Tối cao hằng năm thì việc tổ chức phiên tòa lưu động, nhất là phiên tòa hình sự, đã là một hoạt động có tính chất thường xuyên, liên tục, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Cho đến nay, Toà án nhân dân tối cao cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản của Toà án nhân dân tối cao như các báo cáo Quốc hội, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, báo cáo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm thì vấn đề tổ chức các phiên toà lưu động luôn được quan tâm và gần như gắn chặt với việc lựa chọn, xác định và giải quyết các vụ án trọng điểm của từng Toà án và của toàn ngành.

 

Hơn nữa, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự sơ thẩm còn là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao quan tâm để phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy mỗi năm, trung bình ngành Toà án đã tổ chức xét xử khoảng trên 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma tuý, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, các vụ án về tham nhũng, buôn lậu…

 

Đã có rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử lưu động trong thời gian gần đây, tiêu biểu là vụ án Nguyễn Hải Dương cùng đồng phạm giết 06 người ở Bình Phước được tổ chức vào ngày 17/12/2015.

 

Nguyễn Hải Dương (24 tuổi), với sự giúp đỡ của Vũ Văn Tiến (24 tuổi) và Trần Đình Thoại (27 tuổi), đã giết chết 06 người trong một gia đình sản xuất và kinh doanh gỗ ở Bình Phước. Từ bốn giờ sáng ngày 17/12/2015, bốn ngàn người từ Bình Phước và các tỉnh lân cận đổ về địa điểm xét xử, một khu đất rộng bốn ha ở Bình Phước. Khung cảnh nhanh chóng trở nên hỗn loạn vì người đến trước đứng che kín người tới sau. Hàng trăm phóng viên ngồi xổm trên mặt đất gõ liên tục vào laptop tường thuật trực tiếp như ở chiến trường. Trời về trưa nắng nóng dữ dội, đám đông kiên nhẫn hứng chịu cái nắng như thiêu đốt để theo dõi phiên tòa. Thân nhân gia đình bị hại không ngừng gào khóc khi các chi tiết đẫm máu mô tả đêm thảm sát được đọc lên trong cáo trạng. Theo phản ánh của phóng viên, nhiều người dân đến xem phiên tòa chỉ với lý do: “Ở nhà cũng có truyền hình qua tivi nhưng tôi đến đây để coi trực tiếp mặt mũi tụi nó ra sao mà ác dữ vậy”. Nhiều người còn không rõ họ sẽ chứng kiến một phiên toà hay một buổi hành hình: “Tôi đến đây để coi xử bắn”. Một người khác bổ sung: “Bao nhiêu lâu mới có một vụ như thế này”.

 

Có thể thấy, sau thực tế phiên toà lưu động xử ba bị cáo trong vụ án thảm sát ở Bình Phước nêu trên thì những quan ngại về hình thức xét xử lưu động đang ngày càng phổ biến.

 

3. Những mặt tích cực và hạn chế khi đưa vụ án ra xét xử lưu động đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan

 

3.1. Những hiệu quả tích cực của xét xử lưu động vụ án hình sự

 

Không ai có thể phủ nhận hiệu quả mà các phiên toà lưu động đã mang lại trong thời gian qua. Với những phiên toà này, toà án không chỉ thực hiện được chức năng xét xử mà còn còn đem đến cho dân chúng cơ hội để hiểu biết pháp luật, cho họ nhận biết những hành vi hợp pháp và những hành vi nguy hiểm cho xã hội để người dân có thể vận dụng, ứng xử với nhau trong đời sống xã hội, từ đó hoạt động xét xử lưu động nâng cao giá trị đối với mục đích thứ hai của hình phạt là mục đích giáo dục, phòng ngừa chung. Thông qua trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa để giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của đông đảo quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật, làm cho người dân hiểu được hành vi của bị cáo (hoặc các bị cáo) là vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đó. Từ đó, người dân sẽ có những hành xử chuẩn mực hơn, đúng đắn hơn nếu bản thân mình rơi vào những tình huống tương tự.

 

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các phiên toà lưu động có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà. Tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư trong khu vực hoặc ở địa phương. Giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp. Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà nói chung và trong bản án, quyết định của Toà án nói riêng.

 

Việc xét xử lưu động công khai còn thể hiện sự quyền uy, nghiêm minh của pháp luật để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, tin tưởng vào lẽ phải, công lý. Ở mức độ nào đó, xét xử lưu động còn thể hiện tính công khai minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp trong một nhà nước văn minh. Các phiên toà lưu động càng được đánh giá cao hơn khi đặt nó trong bối cảnh các toà án địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, địa hình, địa lý… để đưa công lý tiếp cận gần dân hơn.

 

3.2. Những hạn chế, hệ lụy của việc xét xử lưu động vụ án hình sự

 

3.2.1. Đối với cá nhân (bị cáo)

 

Ngoài hình phạt mà tòa án áp dụng với bị cáo, bị cáo còn phải chịu nhiều sức ép từ phía cộng đồng, gây ảnh hưởng tới việc tái hòa nhập cộng đồng khi trở về với đời sống xã hội 

 

Khi một bị cáo bị đưa ra xét xử bằng một phiên tòa lưu động thì bên cạnh các quy định của pháp luật, bị cáo bị xét xử lưu động dường như còn phải chịu sự buộc tội, một sức ép nặng nề khác từ phía đám đông với vô số các quy phạm xã hội như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo… mà nếu xét xử tại công đường họ không phải gánh chịu. Lý luận chung về pháp luật đã chỉ ra rằng các quy phạm đạo đức, Tập quán, tín ngưỡng, tín điều tôn giáo… có sức mạnh điều chỉnh không kém các quy phạm pháp luật. Nhất là, không phải lúc nào các quy phạm xã hội và pháp luật cũng đồng nhất. Có những hành vi ở phương diện pháp luật thì không phạm tội nhưng ở phương diện đạo đức thì không phải vậy và ngược lại, nhất là pháp luật trong xã hội phương Đông như Việt Nam. Người Việt chủ yếu vẫn sống theo cộng đồng làng xã. Văn hóa cộng đồng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người. Trong cộng đồng làng xã đó, đôi khi cá nhân cái tôi bị hòa tan trong cộng đồng, dòng họ. Vì vậy, nếu trong một gia đình, một dòng họ, một làng mà có người bị kết án, xét xử lưu động, công khai thì cả gia đình đó, cả dòng họ đó, thậm chí cả làng đó mang mặc cảm như những người phạm tội. Việc kết tội thành viên trong cộng đồng đó không chỉ có tính chất “trừng phạt” người có tội mà còn có thể tác động tâm lý ghê gớm tới gia đình, cộng đồng của họ, nhất là trong bối cảnh xã hội còn có những thành kiến, định kiến, thủ tục lạc hậu.

 

Qua thực tiễn cho thấy, nếu trong gia đình, người chồng bị kết án thì không chỉ người chồng đó phải chịu hình phạt, mà người vợ của họ, bố mẹ của họ, thậm chí những đứa con của họ có thể phải chịu nhiều tủi nhục với gia đình, cộng đồng xã hội. Hiện nay, tâm lý của cộng đồng vẫn còn biểu hiện của “chủ nghĩa lý lịch”, vẫn còn những thành kiến, định kiến theo lối nghĩ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” khiến cho không ít những người bị kết án bị cộng đồng xa lánh, tẩy chay, khó có cơ hội trở thành một người bình thường sau khi trở về với đời sống xã hội.

 

Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người bị xóa án tích coi như chưa bị kết án và được tòa án cấp giấy chứng nhận”. Như vậy, có thể nói rằng với pháp luật Việt Nam, tội phạm là “hành vi” – hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời, con người có khả năng cải tạo, giáo dục. Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do nhận thức chưa đúng đắn, chưa nhận thức đầy đủ, chưa làm chủ được hành vi của mình trong một vài tình huống nào đó thì họ bị coi là có tội và phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, khi họ đã được “giáo dục, cải tạo”, họ đã được Nhà nước chứng nhận là đã cải tạo xong đã trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, được trở về với đời sống xã hội, được phục hồi đầy đủ quyền công dân như một người bình thường, theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự thì họ là một người bình thường, không ai được lợi dụng quá khứ về hành vi của họ để đối xử không công bằng với họ để đảm bảo quyền công dân, quyền con người… Luật là thế nhưng thực tiễn xã hội không thế, những thành kiến, định kiến của xã hội, những tư tưởng cổ hủ lạc hậu, những biểu hiện của chủ nghĩa lí lịch đã gây ra rất nhiều rào cản để người đã chấp hành án xong tái hòa nhập cộng đồng. Trong nhiều trường hợp họ bị xa lánh, bị kỳ thị, thậm chí họ bị tẩy chay… khiến họ bị xô đẩy, lôi kéo tham gia, quan hệ với nhóm người xấu, bị lôi kéo thực hiện những hành vi xấu… để rồi lại tiếp tục vi phạm pháp luật.

 

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, thực tế hiện nay vẫn còn có những cơ quan, những nghề nghiệp không chấp nhận người có “nhân thân xấu”, thậm chí đến con của người có “nhân thân xấu” cũng không được tham gia một số nghề nghiệp, tổ chức… Vì vậy, nếu việc xét xử lưu động được áp dụng rộng rãi, tràn lan sẽ gây hệ lụy ghê gớm đối với bản thân bị cáo và gia đình, người thân của bị cáo, gây tốn kém, lãng phí trong việc chi phí bố trí xét xử một phiên tòa lưu động.

 

Trong quá trình hành nghề luật sư, tiếp xúc với các bị cáo có nguy cơ bị tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự thì nhìn chung các bị cáo đều không muốn, thậm chí rất sợ hãi bởi “bản án” vô hình của cộng đồng hơn là lo sợ với bản án của tòa án. Nhiều bị cáo cho rằng đưa họ về xét xử tại quê hương bản quán, trước anh em họ hàng, bà con lối xóm… là một “hình phạt”, đôi khi còn khủng khiếp hơn cả hình phạt tù, không biết khi nào mới được “xóa án tích” được mọi người, tha thứ chấp nhận bị cáo sau khi đã chấp hành xong bản án của tòa án. Ngay cả những người thân của họ cũng phải chịu sức ép ghê gớm từ dư luận nhiều khi làm đảo lộn mọi mối quan hệ mà họ đang có mà nếu chỉ xét xử tại công đường thì nỗi đau này có lẽ được giảm đi ít nhiều. Chính vì vậy, xét xử lưu động nhiều khi không phải công việc của Hội đồng xét xử nữa mà tựa như một kiểu xét xử tập thể mà nhiều nước Hồi giáo đang áp dụng.

 

Mức hình phạt trong các vụ án xét xử lưu động thường nghiêm khắc hơn các vụ án xét xử tại trụ sở tòa án

 

Trong quá trình xét xử lưu động, vì lý do tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục răn đe… và cũng một phần từ sức ép của đông đảo người dân mà các hình phạt cho các bị cáo khi xét xử lưu động dường như được Hội đồng xét xử tuyên “nặng tay” tay hơn so với những vụ án xét xử tại trụ sở tòa án. Kết quả giải quyết vụ án như vậy làm hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.

 

Mục đích của hình phạt bao gồm hai thuộc tính, đó là trừng trị và cải tạo, giáo dục người phạm tội. Mức độ trừng trị được thể hiện ở loại và mức hình phạt được áp dụng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp hình phạt cao, sự lên án gay gắt thì tác dụng cải tạo, giáo dục cao, mà hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, có sự thông cảm, tha thứ từ cộng đồng mới phát huy được tác dụng giáo dục. Trong xã hội tiến bộ ngày nay, việc xử lý hình sự, áp dụng hình phạt chủ yếu nhằm mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng.

 

Thực tế, việc bị cáo phạm tội xảy ra ở một trong hai trường hợp: phạm tội do bồng bột, nóng nảy hoặc phạm tội có tính toán, phạm tội nhiều lần, có tính chuyên nghiệp, tái phạm (người phạm tội có ý thức và bản tính coi thường pháp luật). Đối với những trường hợp phạm tội do lầm lỡ mà bị xét xử lưu động sẽ gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng và sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, đó là rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, đối với những trường hợp phạm tội do bản tính côn đồ, coi thường pháp luật thì việc xét xử lưu động sẽ làm tăng thêm tính lỳ lợm, ngông cuồng, với tâm lý không còn gì để mất người phạm tội rất có thể sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn. Thực tế cũng đã có không ít trường hợp nảy sinh tác động ngược chiều, tiêu cực khi xét xử lưu động. Cách đây vài năm, Tòa án Nhân dân tỉnh Q mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Nguyễn Văn Ch. về tội giết người. Từ sáng sớm gia đình người bị hại đã huy động anh em, họ hàng, người kèn, trống để đón Hội đồng xét xử và bị cáo. Khi Kiểm sát viên luận tội đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo, phía gia đình người bị hại đã đồng loạt vỗ tay hưởng ứng, trái lại là tiếng khóc thảm thiết của gia đình bị cáo. Khi luật sư trình bày lời bào chữa đề nghị áp dụng hình phạt tù thì gia đình bị hại kịch liệt phản đối và đe dọa vị luật sư. Thấy vậy, luật sư nhanh chóng kết thúc bào chữa và không tranh luận gì thêm trong khi hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn trong việc xác định độ tuổi của bị cáo (bị cáo chưa thành niên không bị áp dụng hình phạt tử hình). Hay như vụ án hủy hoại tài sản do Tòa án Nhân dân huyện Q.T. xét xử lưu động tại xã Q.K. Trước bà con lối xóm hai anh em bị cáo không những không hối cải mà còn ngang nhiên đe dọa sẽ trả thù gia đình bị hại. Ở hai vụ án này chính việc xét xử lưu động đã làm khuấy thêm nỗi đau, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa gia đình, họ hàng bị cáo và người bị hại; làm mất niềm tin của người dân về tính tôn nghiêm của công đường, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật không được phát huy.

 

Sau khi xét xử lưu động và phải chấp hành hình phạt phải nói là “khắt khe” từ phía Tòa án và xã hội, đến khi mãn hạn tù, được trở về với cộng đồng xã hội, người đã thực hiện hành vi phạm tội khó hòa nhập cộng đồng hơn những người phạm tội khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do định kiến xã hội dành cho họ là quá lớn, một khi đã bị đưa ra xét xử lưu động, toàn thể người thân, bạn bè, người dân xung quanh địa phương đều biết hành vi phạm tội của họ. Thậm chí, có trường hợp xét xử lưu động còn được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Liệu rằng với những rào cản tâm lý như vậy, họ có thể tự tin để hòa nhập cộng đồng, mặt khác cộng đồng sau khi biết việc họ phạm tội có đủ niềm tin, sự vị tha để tiếp nhận họ vào đời sống, tạo cho họ một công ăn việc làm ổn định. Trách nhiệm hình sự đã thi hành xong, nhưng còn đó mặc cảm, tự ty mà không phải một sớm, một chiều được dư luận cảm thông.

 

Với mục đích, tính chất của việc xét xử lưu động vụ án hình sự thì khó có cơ hội để tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội

 

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Bản án của tòa án có thể tuyên bố bị cáo không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm – Nghĩa là bị cáo bị oan nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa phản ánh việc truy tố là không có căn cứ. Nếu xét xử ở trụ sở tòa án thì việc tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội sẽ không có nhiều trở ngại… Nhưng đối với những vụ án xét xử lưu động, với mục đích tuyên truyền pháp luật, làm cho người dân hiểu rằng hành vi của bị cáo gây hại cho xã hội như thế nào, sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc ra sao… mặc nhiên thừa nhận bị cáo có tội (suy đoán có tội), thì việc tuyên bố bị cáo không có tội sẽ làm “phản tác dụng” mục đích xét xử lưu động. Chính vì thế nếu những vụ án xét xử lưu động mà có diễn biến mới, thẩm phán không lường trước được khi nghiên cứu hồ sơ cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc có thể tuyên bố bị cáo không phạm tội thì Hội đồng xét xử lại phải cố kết thúc vụ án bằng một bản án nghiêm khắc để đạt được mục đích đề ra. Tình huống này làm phát sinh nguy cơ gây oan sai, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của bị cáo.

 

3.2.2. Đối với tổ chức

 

Pháp luật hình sự hiện hành không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực vào năm 2017) đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Theo đó, tổ chức có hành vi phạm tội thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự. Vấn đề đặt ra ở đây là, khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều trường hợp Tòa án đưa ra xét xử lưu động đối với các pháp nhân này. Tuy nhiên, việc xét xử lưu động đối với tổ chức cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm bởi khi một tổ chức có hành vi phạm tội và bị đưa ra xét xử lưu động thì việc tổ chức đó có nguy cơ đứng trước bờ vực của phá sản là rất lớn. Như đã phân tích ở trên, xét xử lưu động là đưa vụ án ra xét xử công khai tại nơi tội phạm được thực hiện hoặc nơi có tranh chấp xảy ra, nơi bị cáo, đương sự cư trú nên việc một tổ chức (có thể là công ty, doanh nghiệp, tập đoàn…) đang thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng có hành vi phạm tội và bị đưa ra xét xử lưu động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là tâm lý của những đối tác làm ăn đối với phía tổ chức đó. Sau khi chấp hành xong bản án của Tòa án, những tổ chức này rất khó có thể tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh của mình, liệu còn cá nhân, tổ chức nào có đủ tự tin, dũng cảm để ký kết hợp đồng, thực hiện các giao dịch với những đối tác đã từng có hành vi phạm tội.

 

Vì vậy, cần phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về việc có nên xét xử lưu động với những vụ án mà người phạm tội là pháp nhân hay không để hình phạt tương xứng với lỗi vi phạm, tạo cơ hội cho pháp nhân có cơ hội tiếp tục đóng góp giá trị cho xã hội, tránh gây hệ lụy tới người lao động, ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội.

 

4. Một số quan điểm và kiến nghị của tác giả về hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự

 

Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xét xử lưu động vụ án hình sự. Có một số ý kiến khác thì cho rằng xét xử lưu động là cần thiết, góp phần tích cực trong hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, giá trị tích cực nhiều hơn những hạn chế…

 

Xuất phát từ những cơ cở lý luận và thực tiễn tác giả cho rằng không nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự bởi những hệ lụy mà nó mang lại nhiều hơn là ý nghĩa về mặt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Chúng ta nên phát huy những phương pháp khác để tuyên truyền, giáo dục pháp luật chứ không nên sử dụng hoạt động xét xử để thực hiện mục đích tuyên truyền ngay tại phiên tòa, làm như vậy dễ vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc công bằng, bình đẳng.

 

Khi đặt ra vấn đề nên hay không nên xét xử lưu động và giải quyết nó cần đặt nó trong mối quan hệ với các nguyên tắc của hoạt động tư pháp, trong mục đích của nhà nước pháp quyền là bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Nói như trên không có nghĩa là toà án thôi không tuyên truyền pháp luật nữa. Vấn đề là cần có phương thức tuyên truyền nữa thế nào đó để đạt hiệu quả cao hơn. Theo tôi hình thức công khai các bản án của toà án là cách tuyên truyền có hiệu quả nhất văn minh nhất cần được phổ biến nhân rộng. Cùng với việc xét xử công khai tại công đường và công khai, minh bạch các bản án, quyết định của toà án chẳng những tuyên truyền được pháp luật mà còn bảo vệ được quyền con người. Toà án xét xử công khai nhưng không nên xét xử lưu động càng không nên lấy đó làm thành tích như hiện nay.

 

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh nên cần hướng đến việc khai thác lợi thế của các phương tiện này để phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ xét xử lưu động trong những trường hợp thực sự thấy cần thiết. Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phát trên sóng truyền thanh, truyền hình cũng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

 

Để đi đến kết luận là có nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự nữa hay không, theo tôi cần phải lưu ý một số vấn đề như:

Thứ nhất, cần có tổng kết thực tiễn, đánh giá đúng mức về hiệu quả cũng như hệ lụy của hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo và cộng đồng xã hội, đồng thời cần nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước phát triển về hoạt động xét xử công khai.

Thứ hai, nếu việc xét xử lưu động vụ án hình sự tiếp tục diễn ra thì cần phải có cơ sở pháp lý trên cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn.

Thứ ba, nếu quy định là một hoạt động xét xử thường xuyên của tòa án thì phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

 

Theo tôi, để duy trì hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự thì cần phải có quy định và đảm bảo các tiêu chí xét xử lưu động vụ án hình sự như sau:

- Cần thiết lập cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm.

- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà nhận thức pháp luật của cộng đồng và nhận thức pháp luật của bị cáo, người bị hại trong vụ án còn hạn chế, với mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà loại tội đó có xu hướng phổ biến, gia tăng do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân.

- Không xét xử lưu động với những vụ án xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

- Không xét xử lưu động vụ án hình sự với những địa phương còn mang nặng những thành kiến, định kiến về người phạm tội để đảm bảo quyền lợi của bị cáo khi tái hòa nhập cộng đồng.

- Phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự khi thực hiện hoạt động xét xử lưu động, trong đó có nguyên tắc công bằng, bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội.

- Phải đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn thế hiện sự uy nghiêm người tiến hành tố tụng, của cơ quan tiến hành tố tụng, sự nghiêm minh của pháp luật trong phiên tòa xét xử lưu động.

 

Trong trường hợp kết quả điều tra xã hội học, đánh giá thực tiễn và nghiên cứu hệ thống pháp luật của các nước tiên tiến cho thấy hoạt động xét xử lưu động mang lại ít giá trị hơn là những hệ lụy cho xã hội thì cần chấm dứt hoạt động xét xử này đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

2. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

3. Luật tổ chức Tòa án năm 2014.

3. Đặng Hoàng Giang (2016), Xét xử lưu động hay show diễn công lý, Tạp chí Luật khoa.