Tại Điều 81 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản của pháp nhân. Theo đó, tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
Một trong các điều kiện để một tổ chức được công nhận có tư cách pháp nhân là tố chức đó phải có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản riêng của mình. Do đó, cần thiết phải xác định tài sản riêng của pháp nhân, để phân biệt với tài sản của cá nhân, pháp nhân khác, đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của pháp nhân trong các quan hệ pháp luật dân sự.
Tài sản của pháp nhân là những tài sàn thuộc sở hữu hợp pháp của một pháp nhân. Tài sản của pháp nhân gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Vật thuộc sở hữu của pháp nhân bao gồm các trang thiết bị hoạt động của pháp nhân, trụ sở, máy móc, các phương tiện thuộc sở hữu của pháp nhân.
Giấy tờ có giá thuộc sở hữu của pháp nhân chủ yếu được xác lập với các pháp nhân là các công ty như: Công ty cổ phần được phát hành giấy tờ có giá là cổ phiếu, trái phiếu; công ty trách nhiệm hữu hạn được phát hành trái phiếu, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó; Trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người năm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể, và phải hoàn trả khoản cho vay ban đâu khi nó đáo hạn, bản chất của phát hành trái phiếu là đi vay vốn. Các tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân khi các tài sản này được hình thành từ các nguồn hợp pháp sau đây:
(1) Vốn góp của các chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân: Đây là nguồn luôn có, quan trọng của pháp nhân. Đối với pháp nhân là doanh nghiệp, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn (Điều 34 Luật doanh nghiệp năm 2020).
(2) Các tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan như. Các nguồn phổ biến như:
- Nguồn vốn do Nhà nước cấp: Đối với pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị hay doanh nghiệp nhà nước thì thường được Nhà nước cấp tài sản hoạt động.
- Nguồn tài sản thu được do hoạt động của pháp nhân mang lại: Đây là những lợi nhuận có được trong quá trình pháp nhân hoạt động, đặc biệt là đối với các pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, pháp nhân không được sở hữu đối với toàn bộ lợi nhuận thu được mà pháp nhân phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước…
- Tài sản do pháp nhân được tặng cho: nguồn này chủ yếu phát sinh đối với pháp nhân là các quỹ xã hội, quỹ từ thiện…
- Tài sản do pháp nhân được thừa kế và một số nguồn khác.
Đối với tài sản thuộc sở hữu của mình thì pháp nhân có các quyền của chủ sở hữu bao gồm: Quyền chiếm hữu; quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản
Điều 81. Tài sản của pháp nhân
Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338