Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thông tin từ báo chí, Sau vụ tai nạn liên hoàn xảy ra vào chiều ngày 05/04/2023 tại ngã tư Xuân La, Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội), khoa Cấp cứu Bệnh viện E đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho 14 người, trong đó có 1 trẻ em (7 tuổi). Các bác sĩ Bệnh viện E cho biết, vào khoảng 16h30 đến 16h50, các phương tiện cấp cứu lần lượt chuyển 14 trường hợp tai nạn giao thông vào khoa Cấp cứu. Người nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi, người lớn tuổi nhất là 42 tuổi. Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, ô tô biển kiểm soát 29A-08X.XX do ông H.V.V (Long Biên, Hà Nội) chở vợ đi khám ở Viện Tim Hà Nội đi về thì đâm vào 17 xe mô tô làm 17 người bị thương. Vụ việc không có người tử vong. Qua kiểm tra, ông V không có nồng độ cồn, không có chất kích thích, hiện cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ. (Link thông tin https://laodong.vn/xa-hoi/tinh-hinh-suc-khoe-cac-nan-nhan-vu-tai-nan-lien-hoan-o-xuan-la-1176217.ldo)
Phóng viên có nội dung hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý đối với vị tài xế gây ra tai nạn giao thông liên hoàn là gì?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn do bắt đầu giờ cao điểm, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng. Qua camera ghi lại được thì cú đâm liên hoàn và không kiểm soát được của tài xế dẫn tới hàng loạt phương tiên đang lưu thông bị hất văng, hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng nhiều nạn nhân bị thương nặng phải cấp cứu và nhiều phương tiện hư hỏng nặng.
Qua kiểm tra ban đầu cơ quan chức năng xác định tài xế không hề dương tính với các chất kích thích, đưa vợ từ bệnh viện Tim về nhà thì xảy ra tai nạn. Trong sự việc này cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng này, yếu tố lỗi thuộc về những ai, tiến hành khám nghiệm hiện trường, trích xuất dữ liệu camera xung quanh vụ tai nạn, lấy lời khai của những người làm chứng và những người liên quan, giám định tỷ lệ thương tích các nạn nhân, định giá tài sản thiệt hại… Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Động thái khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tạm giữ hình sự đối với vị tài xế, điều này cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật là có, tuy nhiên có hay không hành vi vi phạm của vị tài xế thì phải thông qua hoạt động điều tra để có căn cứ khởi tố hay không khởi tố bị can đối với tài xế này.
Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì thời hạn tạm giữ tài xế này sẽ là 03 ngày, nếu cần gia hạn thời hạn tạm giữ để làm rõ căn cứ buộc tội đối với vị tài xế này thì sẽ tiếp tục gia hạn tạm giữ lần hai là 03 ngày tiếp theo, và lần ba thêm 03 ngày nữa, tổng cộng là 09 ngày, nếu trong khoảng thời gian 09 ngày nêu trên không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho vị tài xế.
Về vấn đề tội danh Luật sư Khuyên nhấn mạnh, với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 cơ quan điều tra phải chứng minh được tài xế trên đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như: vi phạm về tốc độ, vi phạm về khoảng cách giữa các xe, về chú ý quan sát, vi phạm về vượt xe, vi phạm về làn đường, vi phạm về chuyển hướng, vi phạm về qua đường, vi phạm về không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ… và những quy định bắt buộc đối với tài xế khi điều khiển phương tiện phải tuân thủ như có giấy phép lái xe đúng quy định, không sử dụng rượu bia và chất kích thích… Nếu vị tài xế có những lỗi vi phạm nêu trên dẫn tới không chấp hành quy định cụ thể của pháp luật giao thông đường bộ gây nên vụ tai nạn giao thông thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Phân tích cụ thể hơn về tội danh này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa cấu thành tội phạm này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của Điều 260.
Đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất, tức là vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với hành vi phạm tội khi có hậu quả xảy ra. Cụ thể tại khoản 1 Điều 260 quy định cấu thành tội phạm cơ bản xác định hậu quả của hành vi phạm tội có thể là: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Như vậy, chỉ khi có hậu quả xảy ra và hậu quả đó phải là gây thiệt hại cho tính mạng cho người khác, gây thương tích hoặc sức khỏe cho người khác với một tỷ lệ nhất định hoặc gây thiệt hại về tài sản ở mức độ nhất định, thì người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Nếu hậu quả càng lớn, thì hình phạt mà vị tài xế sẽ đối mặt sẽ càng cao hơn.
Ngoài ra, trong vụ án này có thiệt hại cụ thể về người và tài sản, nên nếu xác định yếu tố lỗi thuộc về vị tài xế lái xe ô tô thì vị tài xế này phải thực hiện trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân và chủ phương tiện khác bị thiệt hại theo quy định như sau:
Đối với thiệt hại về tài sản việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Đối với thiệt hại về sức khỏe việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Đối với thiệt hại tính mạng việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này (chi phí cứu chữa); Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338