Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Khách thể của Tội chống phá cơ sở giam giữ là sự an toàn của chế độ giam giữ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chế độ giam giữ bao gồm các chế độ quản lý, dẫn giải, giáo dục, cải tạo người phạm tội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội chống phá cơ sở giam giữ quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội chống phá cơ sở giam giữ này có thể là người bị giam, người bị áp giải hay bất kỳ người nào đủ từ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của hành vi phá cơ sở giam giữ có thể là người bị tạm giam tạm giữ, phạm nhân hoặc người đang ở ngoài trại giam. Chủ thể của hành vi tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ và hành vi trốn trại giam chỉ có thể là những đối tượng đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù giam trong trại giam. Chủ thể của hành vi đánh tháo người bị giam, người bị áp giải chỉ có thể là người bên ngoài trại giam.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội chống phá cơ sở giam giữ là sự an toàn của chế độ giam giữ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chế độ giam giữ bao gồm các chế độ quản lý, dẫn giải, giáo dục, cải tạo người phạm tội. Chống phá cơ sở giam giữ là những hành vi phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tức là người phạm tội thực hiện hành vi chống phá cơ sở giam giữ phải nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, khi thực hiện tội phạm này, người phạm tội hoàn toàn biết, nhận thức được hậu quả nguy hiểm gây ra cho xã hội nhưng vẫn mong muốn để nó xảy ra. Nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi không cấu thành tội này mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 386 Bộ luật hình sự - Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử hoặc Điều 387 Bộ luật hình sự - Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù.
Mặt khách quan của tội phạm:
Khoản 4 Điều 3 Luật thi hành tạm giam, tạm giữ quy định, cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.năm 2015.
Khoản 3 Điều 3 Luật thi hành án hình sự quy định, cơ sở giam giữ phạm nhân là nơi tổ chức quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, bao gồm trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Người bị tạm giam, tạm giữ hay phạm nhân ở các cơ sở giam giữa trên buộc phải tuân thủ nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân theo Thông tư số 17/2020/TT-BCA ngày 18 tháng 02 năm 2020.
Chống phá cơ sở giam giữ là những hành vi phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân.
Hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành Tội chống phá cơ sở giam giữ gồm 04 nhóm hành vi sau đây:
Phá cơ sở giam giữ là hành vi của người phạm tội đã bị bắt giam hoặc người đang ở ngoài trại giam (phá hàng rào, phá buồng giam...) để người bị giam thoát khỏi sự giam giữ, cải tạo của Nhà nước.
Tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ là hành vi của những đối tượng đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù giam trong trại giam liên kết với nhau hoặc móc nối với bên ngoài tổ chức vượt trại giam. Việc trốn khỏi cơ sở giam giữ cũng có thể được thực hiện khi chúng đi lao động, chuyển trại hoặc dùng bạo lực đối với người có trách nhiệm canh gác, dẫn giải để thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước.
Đánh tháo người bị giam, người bị áp giải là hành vi của người bên ngoài trại giam móc nối với người bị giam, bị áp giải hoặc tuy chưa có sự móc nối nhưng đã dùng bạo lực hoặc thủ đoạn khác đối với người quản lý, dẫn giải để đánh tháo cho đồng bọn.
Trốn trại giam là hành vi của người phạm tội đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, dẫn giải để trốn khỏi nơi giam giữ.
Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi. Nghĩa là người phạm tội khi đã thực hiện một trong những hành vi giống hành vi được miêu tả trong mặt khách quan của tội phạm phân tích trên đây được coi là tội phạm hoàn thành.
Hình phạt:
- Khoản 1. Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Khoản 2. Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- Khoản 3. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338