Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian" tại Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 có 03 khoản, trong đó khoản 1 có nội dung xác định nguyên tắc chung về vấn đề hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự, còn các khoản 2 và 3 có nội dung cụ thể hóa nguyên tắc chung được xác định tại khoản 1.
Vấn đề hiệu lực về thời gian của luật hình sự nói chung cũng như của Bộ luật Hình sự nói riêng xuất phát từ nguyên tắc chung “phải có luật mới có tội”. Do vậy, xét về thời gian, luật hình sự cũng như Bộ luật Hình sự chỉ có thể có hiệu lực đối với hành vi xảy ra khi luật hoặc Bộ luật Hình sự đã được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Xác định hiệu lực về thời gian của luật hình sự hay Bộ luật Hình sự là trả lời câu hỏi: Luật hay Bộ luật Hình sự (đã có hiệu lực thi hành) có hiệu lực đối với hành vi xảy ra khi nào? Như vậy, cần có sự phân biệt giữa hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự với hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự. Hai vấn đề này tuy có liên quan với nhau nhưng vẫn là hai vấn đề khác nhau.
Trên thực tế, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bị lùi hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 01 năm 2018. Điều này có nghĩa, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 mới được áp dụng và theo hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự thì Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ có hiệu lực đối với hành vi phạm tội xảy ra từ ngày này.
Các nguyên tắc chung:
Khoản 1 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định nguyên tắc chung: “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”.
Theo tính chất và tên gọi của điều luật có thể hiểu nội dung diễn đạt này là: Điều luật xác định trách nhiệm hình sự chỉ có hiệu lực đối với hành vi phạm tội xảy ra khi điều luật đó đã có hiệu lực thi hành. Trong đó, hành vi phạm tội ở đây được hiểu như cách hiểu về hành vi phạm tội được quy định tại Điều 5 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện được hiểu là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội đó.
Khác với hiệu lực về không gian, hiệu lực về thời gian của Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 không được xác định với toàn bộ Bộ luật mà chỉ được xác định với điều luật. Sở dĩ như vậy là vì có thể có điều luật được bổ sung hoặc sửa đổi nên hiệu lực thi hành các điều luật này không trùng với hiệu lực thi hành của Bộ luật nói chung.
Việc cụ thể hóa hiệu lực về thời gian tại khoản 2 và khoản 3 cũng đều căn cứ vào tính chất của từng điều luật. Theo đó, khoản 2 gắn với các điều luật có nội dung bất lợi cho người phạm tội còn khoản 3 gắn với các điều luật có nội dung có lợi cho người phạm tội và khoản này xuất phát từ nguyên tắc “có lợi cho người phạm tội”.
Từ nguyên tắc chung được xác định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật khẳng định lại một cách cụ thể và rõ ràng, điều luật bất lợi cho người phạm tội không có hiệu lực không được áp dụng đối với hành vi được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Về lý thuyết, điều luật bất lợi cho người phạm tội là điều luật: Xác định có tội hoặc xác định tội nặng hơn; Xác định trách nhiệm hình sự nặng hơn; Quy định nội dung khác không có lợi cho chủ thể bị áp dụng luật.
Cụ thể hóa 3 loại điều luật bất lợi này, khoản 2 của điều luật liệt kê các trường hợp mà điều luật “không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Các trường hợp này còn có thể được gọi là các trường hợp cấm hồi tố và có thể được hiểu như sau: Điều luật quy định một tội phạm mới: Điều luật có nội dung bổ sung tội phạm mà trước đây chưa có; Điều luật quy định một hình phạt nặng hơn: Điều luật bổ sung hình phạt nặng hơn hay khung hình phạt nặng hơn cho tội phạm đã được quy định; Điều luật quy định một tình tiết tăng nặng mới: Điều luật bổ sung dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Điều luật hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích: Điều luật sửa đổi các điều kiện cho phép áp dụng các chế định này theo hướng chặt chẽ hơn.
Ngoài các trường hợp cụ thể được liệt kê trên, có thể còn có các trường hợp khác cũng có nội dung bất lợi cho người phạm tội nên khoản 2 xác định: “… và quy định khác không có lợi cho người phạm tội”. Khác với khoản 2, khoản 3 của điều luật cho phép, điều luật có lợi cho người phạm tội được áp dụng (có hiệu lực) đối với hành vi được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Đây là các trường hợp cho phép hồi tố và nội dung của các trường hợp này được cụ thể hóa: (1) Điều luật xóa bỏ một tội phạm, điều luật có nội dung xóa bỏ tội phạm mà trước đây đã được quy định; (2) Điều luật xóa bỏ một hình phạt nặng hơn, điều luật xóa bỏ hình phạt nặng hơn hay khung hình phạt nặng hơn cho tội phạm đã được quy định; (3) Điều luật xóa bỏ một tình tiết tăng nặng, điều luật xóa bỏ dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng hoặc xóa bỏ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; (4) Điều luật mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích, điều luật sửa đổi các điều kiện cho phép áp dụng các chế định này theo hướng nhẹ hơn.
Ngoài các trường hợp cụ thể được liệt kê trên, có thể còn có các trường hợp khác cũng có nội dung có lợi cho người phạm tội nên khoản 3 xác định: “… và quy định khác có lợi cho người phạm tội”. Diễn đạt của điều luật này có hạn chế tương tự như diễn đạt của các điều 5 và 6 Bộ luật Hình sự, vừa chưa phản ánh được bản chất của vấn đề vừa chưa thống nhất với tên chương, tên điều. Do vậy sẽ là chính xác và thống nhất hơn khi diễn đạt lại điều luật theo hướng phù hợp với tên gọi của điều luật.
Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338