Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về "Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự" quy định tại Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 03 nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự cũng như cách thức thực hiện các nhiệm vụ này. Ba nhiệm vụ hay còn được gọi là 03 chức năng của Bộ luật Hình sự bao gồm: Nhiệm vụ bảo vệ, nhiệm vụ chống tội phạm và nhiệm vụ giáo dục. Ba nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc Bộ luật xác định các hành vi bị coi là tội phạm và quy định hình phạt được áp dụng cho hành vi bị coi là tội phạm. Đây là nội dung của Bộ luật Hình sự. Giữa nội dung của Bộ luật Hình sự và nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó các nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự quy định nội dung của Bộ luật và ngược lại, nội dung phù hợp của Bộ luật Hình sự là điều kiện cần thiết để Bộ luật hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nói Bộ luật Hình sự có 03 nhiệm vụ không có nghĩa Bộ luật Hình sự thực hiện 03 nhiệm vụ mà chỉ có nghĩa Bộ luật Hình sự là phương tiện được cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện 03 nhiệm vụ này.
Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm: Chống tội phạm là hoạt động tiếp xúc trực diện với tội phạm (phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm). Phòng ngừa gồm nhiều hoạt động khác nhau nhằm ngăn ngừa tội phạm diễn ra. Tuy chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm là hai hoạt động khác nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau. Chống tội phạm không chỉ mang tính răn đe mà còn định hướng cho công tác phòng ngừa tội phạm. Tất nhiên cả chống và phòng ngừa tội phạm phải dựa trên cơ sở pháp lý là các quy phạm pháp luật được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiệm vụ này của Bộ luật Hình sự năm 2015 được xác định rõ hơn tại Điều 4 luật này.
Bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng, cần thiết cho sự ổn định và phát triển của xã hội trước sự xâm lấn của tội phạm: Đối tượng bảo vệ của luật hình sự bao gồm chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, lợi ích của Nhà nước, tổ chức và trật tự pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ luật hình sự cần xác định đúng, đủ, kịp thời những hành vi có thể gây nguy hiểm cho đối tượng mà luật hình sự bảo vệ để quy định là tội phạm.
Giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật: Hiện nay chúng ta đấu tranh chống tội phạm không chỉ mang mục đích xử phạt để răn đe mà trên hết là mục đích giáo dục, giáo dục người phạm tội và giáo dục tất cả mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, tránh các hành vi phạm tội. Ba nhiệm vụ trên vừa là 3 nhiệm vụ riêng biệt nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau. Nhiệm vụ giáo dục dựa trên cơ sở của đấu tranh chống tội phạm nhưng giáo dục cũng là cơ sở của nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và nhiệm vụ bảo vệ của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trách nhiệm của Bộ luật Hình sự: Để thực hiện 2 nhiệm vụ trên thì Bộ luật Hình sự quy định xung quanh 2 vấn đề và cũng là xuyên suốt qua các thời kỳ đó là Tội phạm và Hình phạt. Nói đến hình sự người ta nghĩ ngay đến tội phạm và hình phạt và ngược lại. Đó là đặc trưng cơ bản và rất dễ nhận thấy ở pháp luật hình sự so với các ngành luật khác như dân sự, hành chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giữa vi phạm hành chính (xử phạt vi phạm hành chính) và tội phạm (xử lý hình sự) có một mối quan hệ khá mật thiết, chúng khá tương đồng trong nhiều mặt và ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự đôi khi rất mong manh phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và đôi khi là cách nhìn nhận chủ quan của người xử phạt vi phạm hành chính và cơ quan công tố. Do đó, trong thực tế không hiếm những trường hợp hồ sơ vi phạm hình sự nhưng sau đó chuyển sang xử lý hành chính và hồ sơ xử lý hành chính chuyển sang xử lý hình sự do có dấu hiệu của tội phạm.
Còn nội dung quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới so với các Bộ luật Hình sự trước đây. Trong đó, điểm mới mang tính thay đổi cơ bản là bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, trong đó có các quy định về điều kiện cũng như phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, về hệ thống hình phạt được áp dụng cho pháp nhân thương mại bên cạnh hệ thống hình phạt cho người phạm tội cũng như các quy định về quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự
Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338