Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Khách thể của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ động vật hoang dã do nhà nước quy định. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định có thể là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ động vật hoang dã do nhà nước quy định. Đối tượng tác động: là các loại động vật hoang dã được quy định trong danh mục của Chính phủ, và công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về chống mua bán động vật hoang dã.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là bảo vệ động vật hoang dã, thấy trước được hậu quả của tội phạm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã gồm một trong những hành vi sau:
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Cụ thể: Săn bắn là một từ ghép, được ghép bởi từ “săn” nghĩa là đuổi, bắt nhằm thu giữ được động vật, “bắn” nghĩa là dùng lực đẩy để phóng viên đạn, mũi tên đến một đích nào đó. Săn băn có nghĩa là đuổi, bắt, bắt động vật hoang dã nhằm thu giữ động vật sống hoặc các của chúng. Giết động vật hoang dã là hành vi tước đoạt tính mạng trái phép của động vật hoang dã, hành vi giết thường được thực hiện bằng các phương thức như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc, đấm đá. Nuôi, nhốt là hành vi giữ động vật hoang dã ở nơi không đủ điều kiện để chúng có thể sống và phát triển bình thường.
Tàng trữ là cất giữ bất hợp pháp động vật hoang dã ở bất kì nơi nào như nhà ở, phương tiện đi lại, túi xách. Vận chuyển là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp động vật hoang dã từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác… bằng bất kỳ phương thức nào. Buôn bán là gồm hai hành vi. Bán trái phép động vật hoang dã cho người khác là dùng động vật hoang dã mà mình có dưới bất kỳ hình thức nào như: mua được, xin được, nhặt được, người khác gửi hoặc chiếm đoạt được để bán cho người khác lấy tiền hoặc lấy tài sản. Mua động vật hoang dã là dùng tiền hoặc tài sản để đổi lấy động vật hoang dã. Động vật hoang dã là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ngoài động vật hoang dã Nhóm IIB Điều 234 Bộ luật Hình sự còn quy định động vật hoang dã khác là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cũng là đối tượng của tội phạm này.
Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã. Cụ thể: Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết. Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con, vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp một trong những hậu quả sau xảy ra:
(1) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng trở lên hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng trở lên;
(2) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng trở lên;
(3) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
- Khoản 4 - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 5: Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
đ) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
e) Vận chuyển, buôn bán qua biên giới;
g) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338