Language:
Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167)
30/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Hành vi phạm tội của tội này xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, các quyền này đã được luật hóa trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và được quy định cụ thể trong Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và văn bản quy phạm pháp luật khác. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân quy định tại Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường tức là người đạt độ tuổi theo luật quy định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Hành vi phạm tội của Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và được quy định cụ thể trong Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và văn bản quy phạm pháp luật khác.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Động cơ và mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội này rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi khách quan của tội này được thể hiện ở 3 dạng hành vi cản trở công dân để không cho họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Cụ thể:

 

Thư nhất, nhóm hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác như đánh, trói cản trở người này thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

 

Thứ hai, nhóm hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi bằng lời nói, cử chỉ dọa sẽ dùng vũ lực để cưỡng bức tinh thần người khác cản trở họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

 

Thứ ba, nhóm hành vi dùng thủ đoạn khác có thể là uy hiếp tinh thần dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

 

Hành vi trên cấu thành tội phạm khi chủ thể đã bị xữ lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà họ thực hiện trước đó mà lần này vẫn còn vi phạm.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Quy định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội bao gồm phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

- Khung 2: Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng cho người phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

 

Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338