Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, Công an quận Hoàn Kiếm cho hay đơn vị chức năng đã xác minh được người điều khiển chiếc xe. Người này sau đó đã đến cơ quan công an làm việc. Tài xế gây ra sự việc được xác định là N.N.T. (sinh năm 1984; trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại cơ quan công an, tài xế khai nhận đã điều khiển chiếc xe 4 chỗ hiệu Nissan, biển số 30H chạy với tốc độ cao rồi phanh gấp để chuyển hướng. Sự việc diễn ra lúc rạng sáng 17/4/2023. Chiếc ôtô hiện bị cơ quan chức năng tạm giữ. Công an quận Hoàn Kiếm đang phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân quận làm rõ trường hợp này về hành vi gây rối trật tự công cộng. (Link thông tin https://zingnews.vn/tam-giu-oto-drift-truoc-nha-hat-lon-post1422899.html)
Phóng viên hỏi luật sư: Hành vi của tài xế nêu trên sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, việc tài xế lái xe với tốc độ cao và thắng gấp liên tục trước Nhà hát lớn không những gây nguy hiểm cho người đi đường, mà hành vi này gây bức xúc trong dư luận, có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi của tài xế là quá khích, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người đang lưu thông trên đường vì vậy việc cơ quan công an quận Hoàn Kiếm triệu tập tài xế và tạm giữ phương tiện là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ lấy lời khai của tài xế, của những người làm chứng, xác định ý thức chủ quan và hành vi khách quan của vị tài xế, tài thời điểm tài xế có hành vi lái xe với tốc độ cao gây náo loạn khu phố vị tài xế này có sử dụng rượu, bia, các chất kích thích không; mục đích của hành vi trên là gì… để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật, nơi công cộng là những nơi tập trung đông người như công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe, trên đường phố… có nhiều người qua lại nơi công cộng cũng có thể là những nơi trao đổi hàng hoá, nơi vui chơi giải trí của người dân.
Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Trường hợp hành vi được xem là gây rối trật tự công cộng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vị tài xế này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp hành vi của tài xế được đánh giá là nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tài xế tài sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Hình phạt cao nhất từ 02 đến 07 năm nếu hành vi thuộc các trường hợp: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nhận thức rõ về hành vi sai trái của mình những vẫn cố tình thực hiện hành vi. Tội gây rối trật tự công công cộng xâm phạm vào những nội quy, quy tắc, điều lệ… về trật tự ở những nơi công cộng. Tội phạm xâm phạm trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường ở những nơi công cộng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338