Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 23 Luật Công chứng năm 2024 quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 02 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân:
Tại Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định về văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Công chứng và quy định pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi là Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) của địa phương mình.
Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (sau đây gọi là Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh). Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh không được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Việc chuyển đổi Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (sau đây gọi là Văn phòng công chứng được chuyển đổi) thành Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh (sau đây gọi là Văn phòng công chứng chuyển đổi) phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Văn phòng công chứng được chuyển đổi không thuộc trường hợp tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi quyết định cho phép thành lập, thu hồi giấy đăng ký hoạt động tại thời điểm đề nghị chuyển đổi;
- Trưởng Văn phòng công chứng được chuyển đổi cam kết bằng văn bản về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác khi đến hạn, trừ trường hợp các thành viên hợp danh dự kiến của Văn phòng công chứng chuyển đổi có thỏa thuận khác;
- Các thành viên hợp danh dự kiến của Văn phòng công chứng chuyển đổi có thỏa thuận bằng văn bản về việc tiếp tục thực hiện các yêu cầu công chứng đang được giải quyết; các giao dịch khác đang thực hiện hoặc chưa chấm dứt, hủy bỏ; tiếp nhận và sử dụng người lao động hiện có của Văn phòng công chứng được chuyển đổi;
- Văn phòng công chứng chuyển đổi có địa chỉ trụ sở trong cùng địa bàn cấp xã với Văn phòng công chứng được chuyển đổi.
Hồ sơ đề nghị chuyển đổi Văn phòng công chứng quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ:
- Đơn đề nghị chuyển đổi Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ việc đáp ứng các điều kiện chuyển đổi quy định tại khoản 3 Điều này;
- Quyết định bổ nhiệm của các công chứng viên hợp danh dự kiến của Văn phòng công chứng chuyển đổi; giấy tờ chứng minh đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên đối với công chứng viên dự kiến làm Trưởng Văn phòng công chứng chuyển đổi;
- Dự thảo Điều lệ của Văn phòng công chứng chuyển đổi;
- Văn bản cam kết, thỏa thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP.
Lưu ý: Giấy tờ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP này là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử.
Công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng được chuyển đổi lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP, nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên môi trường điện tử về Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng được chuyển đổi đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp xem xét, đề nghị Ủy ban nhân cấp tỉnh cho phép chuyển đổi Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp và hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Văn phòng công chứng chuyển đổi được hoạt động và kế thừa các quyền, nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển đổi kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trưởng Văn phòng công chứng được chuyển đổi chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày Văn phòng công chứng chuyển đổi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, trừ trường hợp các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chuyển đổi có thỏa thuận khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338