Language:
Vật đồng bộ (Điều 114)
15/02/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Vật đồng bộ là gì?

 

Theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì: Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

 

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Phân tích:

 

Pháp luật quy định về vật đồng bộ nhằm điều chỉnh các quan hệ giao dịch có đối tượng là vật, để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể tham gia giao dịch. Đồng thời là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng của quan hệ là vật đồng bộ.

 

Vật đồng bộ, theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Dân sự là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể của vật.

 

Vật đồng bộ được xác định theo các tiêu chí về cơ cấu cơ học là các phần hoặc các bộ phận ăn khớp với nhau, liên hệ với nhau để hợp thành một vật có giá trị sử dụng đáp ứng nhu cầu của chủ thể trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của con người như các phương tiện giao thông, các phương tiện nghe, nhìn, các sản phẩm khác thiết yếu khác. Nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút. Do đó, pháp luật quy định khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần, các bộ phận hợp thành. Nếu không chuyển giao toàn bộ thì vật này có thể không có giá trị sử dụng.

 

Vật đồng bộ được hiểu là một dây chuyền trong sản xuất công nghiệp. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ ngày càng được quan tâm trong xã hội. Một dây chuyền sản xuất là vật đồng bộ, gồm nhiều bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành một hệ thống chỉnh thể sản xuất theo dây chuyền để tạo ra sản phẩm.

 

Vật đồng bộ là vật riêng lẻ, độc lập như ôtô, xe máy, ti vi, máy lạnh…

 

Vật đồng bộ được hiểu theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Dân sự, đồng thời là căn cứ để xác định vật không đồng bộ.

 

Vật không đồng bộ hay phá vỡ tính đồng bộ được hiểu là vật có phần hoặc các phần, các bộ phận không ăn khớp nhau, không liên hệ hoặc liên hệ kém với nhau hợp thành một vật không chỉnh thể, có giá trị sử dụng kém hoặc không sử dụng được. Xác định vật thiếu tính đồng bộ căn cứ vào cơ cấu của các bộ phận, các phần không ăn khớp nhau hợp thành vật.

 

Vật không đồng bộ còn là vật có cơ cấu hoàn chỉnh do các phần, các bộ phận vẫn ăn khớp với nhau, nhưng các phần hoặc bộ phận không cùng chủng loại, mà do chắp vá, lắp ráp cố ý để tạo thành vật. Vật không đồng bộ thuộc trường hợp này khá phổ biến trên thị trường. Thị trường tự do, nhiều cơ sở kinh doanh không tuân thủ những quy định của pháp luật về kinh doanh, đã vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Quy định vật đồng bộ để có căn cứ viện dẫn khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến các quan hệ chuyển giao vật là thật sự cần thiết. Vì vậy, Điều 114 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống lao động, sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường ở Việt Nam.

 

Điều 114. Vật đồng bộ

Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338