Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 26/12/2022, tại Lễ Môn, H đã dùng một giường xếp gây thương tích cho cha ruột là ông N.M.Đ (103 tuổi), với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 3%. Hành vi của H đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại điểm a, d, khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, ông Đ không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với H. Do đó, Cơ quan điều tra Công an huyện Gio Linh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên và được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gio Linh thống nhất. H được hưởng các tình tiết giảm nhẹ là đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi. Tuy nhiên, H cũng có tình tiết tăng nặng là thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với người già. Hành vi của N.M.H đã vi phạm vào điểm a, khoản 2, Điều 52, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. (Link thông tin https://danviet.vn/quang-tri-con-danh-cha-ruot-103-tuoi-bi-thuong-20230223094421971.htm)
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích, theo quy định pháp luật hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây ra tổn hại sức khỏe cho người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác. Hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm, người thực hiện hành vi này tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng người cao tuổi bị bạo hành, bị đánh đập dẫn đến các hậu quả đáng tiếc, điều đáng buồn là kẻ thực hiện hành vi này đối với những người già “không còn khả năng phòng vệ” không phải ai khác, lại chính là người thân trong gia đình, thực trạng này gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức xã hội, các cơ quan bảo vệ người cao tuổi, cơ quan chức năng tại địa phương cần nghiêm túc vào cuộc xác minh để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật, nhằm chặn đứng tình trạng bạo hành, xâm phạm sức khỏe, tính mạng người cao tuổi nói chung.
Ở sự việc này, theo thông tin ban đầu cho thấy người con trai đã dùng chiếc giường xếp để tấn công cụ ông 103 tuổi, thương tích được xác định là 03%, mặc dù hành vi của người con trai đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại điểm a, d, khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Cụ ông không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với người con trai đã gây thương tích cho mình. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gio Linh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên và được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gio Linh thống nhất. Hành vi của người con trai sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính điểm a, khoản 2, Điều 52, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trong sự việc này, tôi cho rằng không đơn thuần là thương tích 03% chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại về tội Cố ý gây thương tích. Mà cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét bản chất sự việc, xem xét cả quá trình mà cụ ông sống với con trai có thường xuyên bị đánh đập, bạo hành hay không, nếu hành vi này là thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần, cụ ông đang là người sống lệ thuộc về mọi mặt vào con trai thì hành vi hành hạ cụ ông có dấu hiệu của Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vì vậy, trường hợp cụ ông không yêu cầu xử lý người con do có hành vi gây thương tích cho mình, nhưng cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xác minh thông tin từ nhiều phía như: những người thân thích khác trong gia đình, bà con hàng xóm, chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin. Từ đó có căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, bỏ lọt tội phạm.
Theo quy định pháp luật hình sự, “hành vi ngược đãi” hoặc “hành hạ” ông bà, cha mẹ, là việc đối xử một cách tàn ác với ông bà, cha mẹ một cách thường xuyên.
Đối với “hành vi ngược đãi” ông bà, cha mẹ, mặt khách quan được thể hiện qua các hành vi như: đối xử tồi tệ về mọi mặt đối với người bị hại. Ví dụ: về ăn uống cho ăn một cách bẩn thỉu (các vật dụng như bát đũa và thức ăn. trong tình trạng mất vệ sinh và thiếu thốn; về chỗ ở: Xếp cho ở nơi hết sức tồi tàn thậm chí không có chăn, màn, giường, chiếu; về mặc: Cho mặc rách rưới, thiếu vệ sinh; về sinh hoạt khác: Không cho tắm rửa thường xuyên.
Đối với “hành vi hành hạ” ông bà, cha mẹ, mặt khách quan được thể hiện qua dấu hiệu, đối xử tàn ác đối với người bị hại như đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn… có thể kèm theo việc chửi mắng thậm tệ làm cho họ bị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Việc đối xử tàn ác không chủ ý gây thương tích hoặc chỉ gây thương tích nhẹ chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu hành vi gây thương tích đến mức độ nhất định đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích).
Cả hành vi ngược đãi hay hành vi hành hạ nêu trên đều xâm phạm đến quan hệ gia đình, xâm phạm thuần phong, mỹ tục trong quan hệ gia đình truyền thông ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người bị hại.
Điều 185. Tội hành hạ ông bà, cha mẹ
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338