Language:
Xét xử trực tuyến: Thực trạng và giải pháp
18/08/2023
icon-zalo

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật của chủ thể đặc biệt là tòa án, là thủ tục tố tụng quan trọng để giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình... Xét xử là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, là hoạt động áp dụng pháp luật đặc thù mà chỉ có chủ thể duy nhất là tòa án mới có quyền thực hiện và có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trình tự, thủ tục luật định. Hoạt động xét xử thường diễn ra công khai, trực tiếp, tại phòng xét xử, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, hoạt động xét xử tuân thủ các quy định của pháp luật về căn cứ, về thẩm quyền, về trình tự thủ tục… Hoạt động xét xử cho thấy trọng tâm trong hoạt động tư pháp, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xảy ra trong đời sống xã hội nhằm khôi phục lại trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hoạt động xét xử có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến (hay còn gọi là xét xử online), trong đó xét xử trực tiếp là hình thức xét xử truyền thống, xét xử trực tiếp với sự có mặt, tham gia của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng tại phòng xét xử. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì hoạt động xét xử trực tiếp đang bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hòi phải đổi mới hoạt động xét xử, đặc biệt là về hình thức phiên tòa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động xét xử nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Bởi vậy, hình thức xét xử trực tuyến, hoạt động xét xử được thực hiện thông qua mạng internet là một xu hướng tất yếu của xã hội. Hoạt động xét xử trực tuyến sẽ khắc phục được phần nào những hạn chế của hoạt động xét xử truyền thống như vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại phiền tòa, vấn đề khó khăn khi tập trung đông người, hạn chế những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải di chuyển, hạn chế sử dụng cở sở hạ tầng của tòa án… Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 diễn ra thì việc đẩy nhanh các điều kiện để tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết.

1. Hoạt động xét xử của tòa án

Xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật, là hình thức thực hiện quyền tư pháp của tòa án. Hoạt động xét xử được thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột xã hội, tương ứng với đó là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại... Thủ tục tố tụng trong mỗi lĩnh vực pháp luật, với mỗi hệ thống pháp luật tuy có khác nhau nhưng xét xử luôn là hoạt động trọng tâm trong việc thực hiện quyền tư pháp và xét xử là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, tòa án thay mặt nhà nước thực hiện hoạt động tài phán để khôi phục trật tự xã hội do những tranh chấp, xung đột làm xáo trộn.

Khi hoạt động xét xử được thực hiện thì mâu thuẫn, xung đột trong xã hội được giải quyết thông qua hoạt động tài phán của tòa án. Hoạt động xét xử nhằm lập lại trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền mà pháp luật đã ghi nhận. Nếu hoạt động xét xử không được diễn ra hoặc diễn ra không kịp thời thì dẫn đến mâu thuẫn kéo dài và có thể tới đỉnh điểm là xung đột bằng vũ lực. Nếu hoạt động xét xử không được diễn ra kịp thời thì người xâm phạm quyền cứ tiếp tục xâm phạm và nạn nhân tiếp tục chịu thiệt hại. Khi hoạt động tố tụng kéo dài, bị can bị cáo bị giam giữ, bị cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ ảnh hưởng tới quyền công dân, quyền của bị can, bị cáo. Bởi vậy, xét xử đòi hỏi phải thực hiện liên tục, nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Theo GS. TSKH Đào Trí Úc thì: “Hoạt động xét xử là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước nhằm xem xét, đánh giá và ra phán quyết về tính hợp pháp và tính đúng đắn của hành vi pháp luật hay quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp và mâu thuẫn giữa các bên có lợi ích khác nhau trong các tranh chấp hay mâu thuẫn đó. Hoạt động trung gian hòa giải và dàn xếp đặc trưng cho lĩnh vực quan hệ hợp đồng khi vấn đề lợi ích có đụng chạm nhưng chưa đến mức nghiêm trọng đến các bên khác hoặc đến lợi ích chung của xã hội và cộng đồng. Do đó, hoạt động này tập trung trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, gia đình, và các phạm vi hành chính, hình sự nhỏ. Những sự dàn xếp, hòa giải như vậy có mục đích thúc đẩy sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh, lao động, khi những mâu thuẫn nhỏ còn có khả năng lắng đọng xuống và nhường chỗ cho hoạt động xã hội lành mạnh và tiến bộ.”.

Hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật, bởi vậy quy trình, thủ tục, thẩm quyền, căn cứ... đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động xét xử được thực hiện trên cơ sở căn cứ pháp lý là Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật tố tụng như: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, sửa đổi bô sung năm 2019. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực. Theo đó, các hình thức xét xử thực hiện theo nguyên tắc, trực tiếp, liên tục, công khai, việc xét xử được thực hiện tại trụ sở hoặc ngoài trụ sở tòa án nhưng các đương sự, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có nghĩa vụ có mặt tại phòng xét xử.

Xét xử trực tiếp trong các hoạt động tố tụng là hoạt động chính, chủ yếu từ nhiều năm nay, hay còn gọi là phiên tòa xét xử theo hình thức truyền thống. Hoạt động xét xử trực tiếp đòi hỏi những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phải có mặt tại phiên tòa. Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tai phiên tòa được thực hiện bằng lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Phiên tòa trực tiếp khiến việc xét xử được thực hiện trực quan, thời gian không bị kéo dài, thẩm phán có thể chủ động tốt hơn trong việc điều hành phiên tòa. Phiên tòa trực tiếp cũng không đòi hỏi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các trang thiết bị như phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid-19 đòi hỏi hoạt động xét xử phải đa dạng, linh hoat để phù hợp với tình hình mới.

2. Xét xử trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu của xã hội

Dù là theo các hệ thống pháp luật khác nhau (hệ thống pháp luật Anh Mỹ, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa), sử dụng các mô hình tố tụng khác nhau (mô hình tố tụng tranh tụng, mô hình tố tụng xét hỏi, mô hình tố tụng hỗn hợp) nhưng hầu hết các quốc gia đều vận dụng hình thức tố tụng là xét xử trực tiếp, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì việc vận dụng các thiết bị điện tử, sử dụng mạng intenet trong hoạt động tố tụng được diễn ra phổ biến và thường xuyên hơn. Đến nay, phần lớn các nước thì nhà nước đều trang bị các phương tiện làm việc cho tòa án và các cơ quan tố tụng bao gồm máy tính có kết nối internet, cán bộ tòa án cũng được trang bị và tự trang bị cho mình nhiều thiết bị thông minh, có kết nối internet, có thể hoạt động trực tuyến; hệ thống đường truyền của các thiết bị điện tử trong hệ thống tòa án được trang bị khá đầy đủ; hệ thống camera được sử dụng phổ biến tại phòng xét xử và trụ sở tòa án; khả năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng ngày càng tốt hơn; mạng internet giờ đã phủ khắp toàn cần với khả năng kết nối nhanh, liên tục… Bởi vậy, ở các nước phát triển thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong hoạt động tư pháp nói chung, trong xét xử nói riêng trở lên thông dung và ngày càng phổ biến. Nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức xét xử trực tuyến hoặc bán trực tuyến trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Theo đó, khi xét xử thì tòa án và các đương sự sử dụng đường truyền riêng có kết nối intenet mà không cần phải trực tiếp có mặt tại phòng xét xử. Ngoài ra, có những phiên tòa bán trực tiếp, có đương sự có mặt, có đương sự có thể kết nối trực tuyến qua intenet trong những điều kiện đặc biệt.

Những năm gần đây khi nhiều quốc gia đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử, trong đó hệ thống pháp luật ứng dụng mô hình tố tụng tranh tụng sử dụng phổ biến chứng cứ điện tử, phương tiện điện tử, mã hóa dữ liệu và sử dụng mạng internet trong quá trình thực hiện thủ tục tranh tụng. Từ đó hoạt động xét xử trực tuyến hoàn toàn hoặc trực tuyến một phần cũng được vận dụng ngày càng nhiều ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ.

Năm 2004, nước Áo đã áp dụng quy định cho phép tòa án nghe các bên, chuyên gia và người làm chứng trong tố tụng dân sự; bị cáo và người làm chứng trong tố tụng hình sự trình bày qua video thay vì phải đến trực tiếp phòng xét xử. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, qua video đã được quy định tại Điều 589 của Bộ luật tố tụng dân sự Áo, ngoài ra cũng quy định trong Luật quản lý Tòa án và Đạo luật phòng chống Covid-19. Trước đây, Hiến pháp của Áo[1] đã quy định các bên trong tranh chấp phải có mặt tại phiên tòa, các phiên tòa dân sự và hình sự phải được mở công khai. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Áo cũng cho phép  một số ngoại lệ cho phép các bên có thể tham gia phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, việc sử dụng phương tiện thông tin điện tử để tương tác giữa Tòa án và các bên với tư cách là một bộ phận của trình tự tố tụng được coi là một đặc điểm quan trọng của hệ thống tư pháp của Áo. Điều 171 và Điều 277 của Bộ luật tố tụng dân sự của Áo cũng quy định: “Nếu kỹ thuật cho phép, Tòa án có thể thu nhận chứng cứ thông qua phương tiện kỹ thuật để chuyển hóa chữ và hình ảnh, trừ trường hợp việc thu nhận chứng cứ trực tiếp tại tòa án là thích hợp hoặc cần thiết hơn vì lý do đặc biệt có xem xét đến nguyên tắc kinh tế mang tính thủ tục…”. Trong Bộ luật tố tụng hình sự[2], cũng có một điều khoản liên quan đến việc xét xử trực tuyến theo đó để tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến, tất cả Tòa án, cơ quan công tố và nhà tù được trang bị nền tảng/hệ thống họp trực tuyến[3]. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc sử dụng công nghệ trong các vụ xử dân sự và hình sự trong thực tiễn cũng bị hạn chế trong một số tình huống ngoại lệ.

Ở Đức, ngay từ những năm 2000, khi công nghệ thông tin bắt đầu phát triển, mạng internet trở thành phương tiện kết nối hữu hiệu thì việc xét xử qua video đã được đưa ra áp dụng tại Đức. Các phiên xét xử video tại các Tòa án đã được giới thiệu vào năm 1998 để bảo vệ nhân chứng trong các phiên tòa hình sự. Tại Điều 128a của Bộ luật Tố tụng dân sự đã tạo ra cơ sở pháp lý, các quy định tương tự đã được quy định trong các Luật Tố tụng Hành chính và Gia đình. Tuy nhiên, trong thủ tục tố tụng hình sự, chỉ có nhân chứng mới có thể tham gia trực tuyến từ xa, một cách tiếp cận khá khác so với các quy định ở các nước châu Âu khác. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý, nhưng các cuộc xét xử trực tuyến không được sử dụng nhiều trước đại dịch Covid ở Đức, tuy nhiên, quốc gia này có một số kinh nghiệm về các phiên xét xử trực tuyến tại các Tòa án thuế khi các bên và Tòa án sử dụng nền tảng “Máy chủ Truyền thông Video của Cisco (VCS)”. Pháp luật Đức không yêu cầu sự chấp thuận về mặt pháp lý (tương tự như ở Ireland, San Marino và Tây Ban Nha), Tòa án có thể quyết định tổ chức một phiên xét xử từ xa theo đơn của một bên. Tuy nhiên, trên thực tế, một cuộc xét xử trực tuyến không được tiến hành trái với mong muốn của các bên. Trong tố tụng hình sự, các phiên xét xử trực tuyến được giới hạn trong việc nghe các nhân chứng trình bày. Ngoài ra, thường có những quy tắc đặc biệt trong tố tụng hình sự và mong muốn của các bên được cân nhắc.

Ở Ý, trong những vụ án hình sự xét xử tội phạm có tổ chức, các băng nhóm Mafia trong những năm 1990 gây ra những khó khăn, phức tạp cho tòa án trong việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tiếp, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển và sử dụng các phiên xử trực tuyến qua video tại các Tòa án. Các quy định pháp luật khác nhau cho phép xét xử trực tuyến qua video đã được sử dụng trong cơ quan tư pháp Ý trong hơn 20 năm. Bộ Tư pháp Ý cung cấp các hệ thống nghe nhìn an toàn phục vụ cho hoạt động của Tòa án. Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự Ý năm 1992 quy định “cộng tác viên”, các đặc vụ chìm và những người khác có thể phải đối mặt với nguy cơ gây áp lực hoặc nguy hiểm cho sự an toàn của họ và gia đình, do vậy họ có thể làm chứng thông qua công nghệ trực tuyến. Trong trường hợp này, Thẩm phán sau khi cân nhắc mọi mặt có thể quyết định xét xử video mà không cần sự đồng ý của họ. Tại nơi nhân chứng có mặt, một cán bộ sẽ được bố trí để đảm bảo tính thường xuyên của việc kiểm tra chéo. Tòa án Hiến pháp được kêu gọi để ra phán quyết về tính hợp pháp của phương pháp thẩm tra chéo (từ xa) này, cho rằng quy định của luật phù hợp với Hiến pháp và các nguyên tắc của thủ tục tố tụng[6]. Cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức trong các phiên tòa xét xử Mafia những năm 1990 không chỉ cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ nhân chứng mà còn cho thấy lợi thế của việc không chuyển tội phạm nguy hiểm từ nhà tù an toàn đến phòng xử án. Từ năm 1998, Luật tố tụng hình sự của Ý đã quy định rằng trong các phiên tòa xét xử tội phạm có tổ chức hoặc khủng bố, các bị cáo bị giam trong tù được tham gia bằng hội nghị truyền hình[7]. Hội nghị truyền hình được thực hiện bằng cách kích hoạt đường truyền truyền hình giữa nơi giam giữ bị can và phòng xử án. Hơn nữa, một bị can bị giam giữ ở nước ngoài không thể được chuyển đến Ý cũng có thể tham dự phiên xét xử hình sự thông qua hội nghị truyền hình[8].

Như vậy, có thể thấy phiên tòa trực tuyến đã được vận dụng, thực hiện tại nhiều nước Châu Âu từ rất lâu, mức độ “trực tuyến” cũng khác nhau, tùy từng quốc gia và tùy từng loại vụ án, loại án cụ thể. Mức độ trực tuyến có thể chỉ với nhân chứng, với một bên đương sự, sử dụng video ghi hình sẵn để lấy ý kiến... và càng ngày, tính chất trực tuyến càng hoàn thiện, toàn diện hơn và có những phiên tòa hoàn toàn trực tuyến, theo hình thức kết nối trực tiếp qua internet trong giữa cơ quan xét xử với tất cả các bên có liên quan.

3. Cở sở để xét xử trực tuyến tại Việt Nam

Sự phát triển nhanh chóng của đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ thông tin khiến Việt Nam rất thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Từ năm 2020 tới nay, ảnh hưởng của dịch bệnh lại càng thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37.7%. Trong đó, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày. Như vậy, so với nhiều quốc gia trên thế giới thì với con số hơn 70% dân số sử dụng internet là một tỷ lệ rất cao. Cùng với việc sử dụng internet thì các thiết bị thông minh có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị cầm tay khác cũng khiến việc sử dụng công nghệ của người Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây. Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng là năm chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam với hơn 72 triệu người (chiếm 73.7% dân số), tăng 7 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng chú ý là lứa tuổi sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối internet ở Việt Nam rất đa dạng, không chỉ có những người trẻ tuổi mà những người lớn tuổi, lứa tuổi ngoài 50 tuổi cũng có tỷ lệ sử dụng internet rất cao, đây là điều kiện quan trọng để người dân Việt Nam có thể tham gia các hoạt động trực tuyến trong đó có các hoạt động tố tụng, tham gia phiên tòa trực tuyến.

Cơ sở kinh tế, xã hội: Những năm qua, kinh tế, xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân được nâng cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Những con số thống kê cho thấy kinh tế, xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Việc trang bị các phương tiện thông minh có kết nối internet để tham gia phiên tòa trực tuyến của người dân nhìn chung là hòan toàn có thể thực hiện được.

Cơ sở pháp lý: Với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 sửa đổi năm 2019, Luật tổ chức tòa án và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì mới chỉ thừa nhận chứng cứ điện tử và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động tố tụng mà chưa có quy định cụ thể về phiên tòa trực tuyến. Nguyên tắc trong tố tụng vẫn là xét xử trực tiếp, đương sự bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa, quy định hoạt động xét xử diễn ra tại phòng xét xử dưới sự chủ trì của chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mức độ sử dụng internet ngày càng cao, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực tế tồn trọng, quá tải trong hoạt động xét xử trực tiếp đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử trực tuyến có thể diễn ra hợp pháp và hợp hiến, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 12 tháng 11 năm 2021, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết này cũng đưa ra khái niệm về “’Phiên tòa trực tuyến”, theo đó: Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021, thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022, trong đó, quy định phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai điểm cầu trung tâm là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn, được tổ chức theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Tại điểm cầu trung tâm có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ hỗ trợ tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điểm cầu thành phần là không gian tổ chức phiên tòa xét xử vụ án do Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận, có sự tham gia của các chủ thể và được tổ chức theo quy định của Thông tư liên tịch 05/2021.

Thông tư này cũng quy định Phòng xử án tại điểm cầu trung tâm được tổ chức theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC và bảo đảm một số yêu cầu cụ thể như sau: Phòng xử án được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của Tòa án; Phòng xử án trang bị các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến như: Hệ thống chiếu sáng - Hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh (loa, micro, tăng âm, bộ trộn âm thanh) - Thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cấu thành phần phiên tòa trực tuyến, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, thiết bị camera ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, thiết bị lưu trữ dữ liệu - Máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa - Thiết bị lưu điện.

Phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 03 điểm cầu thành phần và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Đối với phiên tòa dân sự, hành chính phải bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh, ánh sáng phù hợp không gian, tránh ngược sáng, màu sắc phản cảm, bảo đảm hình ảnh, không gian xung quanh người tham gia được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu; các thiết bị điện tử phù hợp bảo đảm việc truyền âm thanh và hình ảnh tại phiên tòa được thực hiện rõ nét, không gián đoạn; Đối với phiên tòa hình sự mà có đương sự không tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ hoặc điểm cầu trung tâm thì điểm cầu thành phần mà đương sự đó tham gia phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2021; Đối với phiên tòa hình sự mà điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ thì phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2021; bố trí quốc huy và bục khai báo cho bị cáo bảo đảm phù hợp với quy định Thông tư 01/2017/TT-TANDTC; Trường hợp có người tham gia tố tụng khác thì phải bố trí vị trí phù hợp, nhưng phải bảo đảm trang nghiêm, an toàn; Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì việc bố trí vị trí cho bị cáo, người đại diện, người bào chữa phải phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Đó là những văn bản pháp lý quan trọng để tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cùng với các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, về sự phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội thì việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hoàn toàn hợp lý và có tính khả thi tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

4. Những yêu cầu cho hoạt động xét xử trực tuyến

Để xét xử trực tuyến có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp thì cần phải đáp ứng những yêu cầu, các điều kiện đảm bảo để phiên tòa trực tuyến có thể diễn là khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Theo đó, cần có những điều kiện đảm bảo như sau:

- Phải lựa chọn đúng loại vụ án có thể xét xử trực tuyến trong giai đoạn hiện nay thuộc trường hượp Nghị quyết số 33/2021/NQ15 của Quốc Hội đã quy định. Nếu đưa những vụ án phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, nhiều quan điểm khác nhau ra xét xử trực tuyến thì thời gian phiên tòa sẽ kéo dài, quá trình tranh tụng trực tuyến khó mà có thể làm sáng tỏ vụ án khi mà kinh nghiệm trình độ nghiệp vụ cũng như những điều kiện đảm bảo cho phiên tòa trực tuyến còn hạn chế. Với những vụ án phức tạp, nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia mà xét xử trực tuyến thì có thể sẽ không đảm bảo an ninh, an toàn mạng...

- Cần phải chuẩn bị phương tiện vật chất kỹ thuật ở điểm cầu thật tốt, đặc biệt là thiết bị, đường truyền internet để đảm bảo quá trình tố tụng được diễn ra liên tục, thông suốt, tạo cơ hội cho các đương sự được trình bày hết nội dung của mình;

- Cần phải đảm bảo rằng các đương sự tham gia phiên tòa trực tuyến có thiết bị thông minh có kết nối internet hoặc có mặt tại điểm cầu để tham dự phiên tòa trực tuyến trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa;

- Đảm bảo các đương sự tham dự phiên tòa trực tuyến có nhận thức, hiểu biết nhất định về việc sử dụng thiết bị điện tử hoặc phải có người hỗ trợ để có thể tham gia phiên tòa trực tuyến, đề phòng các tình huống mất điện, bị ngắt kết nối internet trong quá trình diễn ra phiên tòa;

- Việc chuẩn bị chứng cứ, tài liệu để trình chiếu, truyền phát cũng phải đảm bảo có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để các đương sự trong vụ án có thể tiếp cận những thông tin, tài liệu, kiểm tra và đánh giá chứng cứ trong quá trình tranh tụng.

- Cần đảm bảo an ninh, an toàn mạng để tránh việc phiên tòa sẽ bị các đối tượng xấu truy cập trái phép, gây rối hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu;

- Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần thực hiên thí điểm, từng bước rút kinh nghiệm mới áp dụng phổ biến, tùy vào các điều kiện đảm bảo về nhân lực, về phương tiện kỹ thuận và các điều kiện khác. Trước mắt có thể áp dụng thí điểm ở các thành phố lớn, điều kiện hạ tầng hoàn thiện và phát triển.

5. Giải pháp thực hiện có hiệu quả hoạt động xét xử trực tuyến

Để phiên tòa trực tuyến có thể diễn ra thuận lợi, hoạt động xét xử đảm bảo các nguyên tắc tắc trong tố tụng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thì cần phải thực hiện các giải pháp như sau:

- Cần hoàn thiện chính sách và pháp luật về hoạt động tố tụng, làm cơ sở pháp lý cho phiên tòa trực tuyến có thể diễn ra một cách công khai, công bằng, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng;

- Cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phổ biến các quy định của tố tụng nói chung cũng như thủ tục, hình thức phiên tòa trực tuyến để người dân cũng như các đương sự biết và chủ động tham gia;

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong xét xử cho những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là các cán bộ tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên tòa trực tuyến;

- Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất để ngày càng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện điện tử phục vụ cho hoạt động xét xử đảm bảo cho phiên tòa trực tuyến có thể diễn ra kịp thời, liên tục và đạt chất lượng cao;

- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để phủ sóng internet toàn quốc, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng núi để người dân có cơ hội tiếp cận với môi trường mạng, có thể tham gia, tham dự phiên tòa trực tuyến;

- Cần trang bị các phương tiện kỹ thuật để có thể tổ chức thành những điểm cầu để các đương sự không thể tự mình tham gia phiên tòa trực tuyến thì có mặt tại một địa điểm phù hợp để tham dự phiên tòa;

- Cần học hỏi, rút kinh nghiệm hoạt động trực tuyến trên thế giới để vận dụng phù hợp. Trong quá trình thử nghiệm cũng cần rút kinh nghiệm và ngày càng mở rộng các vụ án có thể xét xử trực tuyến để dần dần thay thể hình thức xét xử trực tiếp thành xét xử trực tuyến.

Tài liệu tham khảo:

1. Điều 90 của Hiến pháp Áo.

2. Điều 165 Luật tố tụng hình sự của Áo.

3. Điều 21 khoản 3 của Đạo luật phòng chống Covid-19.

4. Điều 21 Luật ứng phó đại dịch Covid-19.

5. Bản án No.342 22/7/1999.

6. Điều 146 của Bộ luật Tố tụng Hình sự có sửa đổi bổ sung 11/1998 và điều 134 của Bộ luật Tố tụng Hình sự ban hành tháng 4/2011.

7. Điều 205 về thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

8. Vai trò của hoạt động xét xử của tòa án trong quá trình phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam - Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18(274), tháng 9/2014.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags