Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Che giấu tội phạm" tại Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hành vi che giấu tội phạm có một số đặc điểm sau:
(1) Được thực hiện sau khi tội phạm đã kết thúc.
(2) Giữa người có hành vi che giấu và người được che giấu không có sự hứa hẹn, thỏa thuận trước.
(3) Hành vi che dấu tội phạm luôn được thực hiện dưới hình thức “hành động phạm tội”.
(4) Lỗi của người có hành vi che giấu là lỗi cố ý trực tiếp.
Từ những đặc điểm nêu trên cho thấy, tuy có liên quan đến tội phạm nhưng hành vi che giấu tội phạm không phải là hành vi đồng phạm, bởi người che giấu và người được che giấu không “cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Hành vi che giấu không đóng vai trò là nguyên nhân gây ra hậu quả của tội phạm vì nó luôn xảy ra sau khi tội phạm do người khác đã thực hiện xong.
Hành vi che giấu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó cản trở hoặc gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội và ở một chừng mực nhất định nó còn khuyến khích người phạm tội thực hiện tội phạm, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường các chuẩn mực của xã hội, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm của người có hành vi che giấu.
Do có tính nguy hiểm cho xã hội, nên người có hành vi che giấu tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm khi che giấu một trong các tội được quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội che giấu tội phạm nói riêng và cũng xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, có tính đến truyền thống đạo đức và nghĩa vụ của những người có quan hệ thân thiết trong gia đình, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung quy định mới “Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 18, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự”.
Che giấu tội phạm có phải là đồng phạm không?
Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015, che giấu tội phạm là việc không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết việc tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, hủy hoại dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Cụ thể hành vi che giấu tội phạm có thể là: Chứa chấp người phạm tội, tạo điều kiện cho người phạm tội lẩn trốn, giúp người phạm tội xoá dấu vết tội phạm, hủy hoại tang vật… Bên cạnh đó, cũng theo khoản 1 Điều 18, người thực hiện hành vi che giấu tội phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định. Mặt khác, đồng phạm là trường hợp có 02 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vì thế đặc điểm của đồng phạm là phải biết trước hoặc trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm. Trong khi đó, người thực hiện hành vi che giấu tội phạm thì có thể không biết trước hành vi phạm tội và cũng không thực hiện tội phạm.
Vì vậy người không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm thì không phải đồng phạm. Tuy nhiên, nếu biết về việc thực hiện tội phạm mà cố ý thúc đẩy, kích động, tạo điều kiện cho người phạm tội, đồng thời hứa hẹn với người phạm tội sẽ che giấu tội phạm thì người che giấu tội phạm lúc này có thể bị coi là đồng phạm với vai trò người xúi giục hoặc giúp sức.
Điều 18. Che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338