Tại Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cơ cấu tổ chức của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Khác với cá nhân chỉ là một cá thể duy nhất thì pháp nhân được hình thành từ sự tập hợp của số đông cá nhân: hay pháp nhân khác. Để biến một tập thể người thành một tổ chức thống nhất, hoạt động hiệu quả thì một trong những điều kiện không thể thiếu là pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Một cơ cấu không thể thiếu được của pháp nhân để thỏa mãn tiêu chí này là pháp nhân bắt buộc phải có cơ quan điều hành để vận hành các hoạt động của mình.
Cơ quan điều hành của pháp nhân là tổ chức đầu não của pháp nhân điều hành mọi hoạt động bên trong cũng như tham gia vào hoạt động bên ngoài của pháp nhân. Pháp nhân được tổ chức rất đa dạng, dưới nhiều loại hình khác nhau. Do đó, cách thức tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều hành của các pháp nhân cũng không giống nhau, phụ thuộc vào loại hình pháp nhân, được ghi nhận trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Mỗi loại pháp nhân có cơ quan điều hành riêng mà tên gọi của cơ quan này phù hợp với tính chất của từng pháp nhân, ví dụ: Đối với pháp nhân là công ty thì cơ quan điều hành là Ban giám đốc, Hội đồng quản trị; Đối với pháp nhân là các trường đại học thì cơ quan điều hành là ban giám hiệu; Đối với pháp nhân là các hợp tác xã thì cơ quan điều hành là ban chủ nhiệm Hợp tác xã
Bên cạnh cơ quan điều hành là bộ phận bắt buộc phải có, pháp nhân có thể có các cơ quan khác tùy theo ý chí của mình hoặc theo quy định yêu cầu của pháp luật. Thông thường, pháp nhân được tổ chức tương đối hoàn chỉnh với các phòng, ban khác nhau để đảm nhận những mảng công việc với chuyên môn riêng. Cơ cấu, tổ chức của mỗi pháp nhân phụ thuộc vào mục đích thành lập, nhiệm vụ của pháp nhân và từng loại pháp nhân, ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội có cơ quan điều hành là Ban Giám hiệu; có 5 khoa chuyên môn: Khoa Pháp luật Kinh tế, Khoa Pháp luật Hình sự, Khoa Pháp luật Dân sự, Khoa Pháp luật Hành chính, Khoa Pháp luật Quốc tế; có các trung tâm trực thuộc nhu: Trung tâm Luật So sánh, Trung tâm Luật Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Bảo đảm chất lượng, Trung tâm Tư vấn pháp luật; Ngoài ra, trường còn có các phòng, ban khác như: Phòng Tài chính – Kế toán, Phòng Quản trị, Phòng Y tế…
Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân
1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338