Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Theo quy định thì quan hệ mượn tài sản được hình thành kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Sau khi các bên thỏa thuận xong nội dung cơ bản của hợp đồng nhưng chưa chuyển giao tài sản, không thể bắt buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn chuyển giao tài sản của mình cho bên kia sử dụng trong một thời hạn theo thỏa thuận mà không nhận được sự đền bù nào từ bên mượn tài sản. Do vậy vì lợi ích của bên mượn sản nên bên cho mượn tự giác tham gia hợp đồng mà không tính toán đến lợi ích kinh tế. Sau khi bên cho mượn đã đồng ý cho bên kia mượn tài sản nhưng vì một lý do nào đó họ không chuyển giao tài sản cho bên mượn thì không thể buộc bên có tài sản phải thực hiện lời hứa của mình. Vì vậy hợp đồng mượn tài sản là một hợp đồng thực tế.
Tại Điều 495 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đối tượng của hợp đồng mượn tài sản. Theo đó, tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.
Do tính chất của hợp đồng mượn tài sản là việc bên mượn chỉ sử dụng tài sản trong một thời hạn nhất định, sau khi kết thúc thời hạn đó bên mượn phải trả lại tài sản cho bên có tài sản, vì vậy tài sản cho mượn không thể là tài sản tiêu hao. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Sau thời hạn mượn, bên mượn phải trả lại đúng tài sản đó cho bên có tài sản, nếu là vật tiêu hao thì việc trả lại tài sản sẽ khó thực hiện. Hơn nữa bên cho mượn vốn dĩ đã không được hưởng lợi ích gì từ giao dịch này, nếu vật mượn là vật tiêu hao thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng khẳng định vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.
Đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tài sản mượn phải là vật đặc định. Tại khoản 2 Điều 113 BLDS năm 2015 quy định vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Mặc dù quy định của pháp luật không khẳng định đối tượng của hợp đồng mượn tài sản phải là vật đặc định, nhưng căn cứ vào nghĩa vụ trả lại tài sản của bên mượn mà có thể xác định như vậy, cụ thể bên mượn phải trả cho bên cho mượn chính tài sản đã mượn. Đây là quy hoàn toàn phù hợp về việc chuyển giao vật đặc định, cụ thể khi chuyển giao vật đặc định thì phải chuyển giao đúng vật đó. Vì thế, nếu tài sản mượn là vật cùng loại thì cả bên mượn và bên cho mượn đều không biết chính xác được tài sản trả lại có đúng là tài sản đã cho mượn hay không. Hơn nữa khi chuyển giao vật cùng loại có cùng chất lượng thì chủ thể hoàn toàn có thể thay thế hai vật cùng loại cho nhau. Nếu như vậy thì việc chuyển giao tài sản không còn đúng với bản chất của hợp đồng cho mượn tài sản nữa.
Điều 495. Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản
Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338