Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Hành vi đe doạ, xúc phạm người khác qua tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, người có hành vi nhắn tin đe dọa, xúc phạm người khác tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi nhắn tin đe doạ, xúc phạm người khác có thể là đe doạ giết người, đe doạ tung clip hay ảnh nóng để xúc phạm danh dự nhân phẩm, hay tin nhắn doạ đánh người… những hành vi này hiện nay diễn ra ngày càng nhiều. Tuỳ thuộc vào động cơ, mục đích của hành vi nhắn tin đe doạ, xúc phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý theo các quy định sau:
(1) Trường hợp nhắn tin đe doạ nhằm bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác, thì người có hành vi có thể bị xử phạt theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP; mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi sử dụng điện thoại nhằm xuyên tạc, vu khống, quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.
(2) Trường hợp nhắn tin đe doạ xâm phạm sức khoẻ của người khác, thì người có hành vi có thể bị xử phạt theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi sử dụng điện thoại nhằm đe doạ, quấy rối người khác.
(3) Trường hợp nhắn tin đe doạ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người có hành vi có thể bị xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng.
Từ quy định trên có thể thấy, tuỳ thuộc vào động cơ, mục đích của việc nhắn tin đe doạ, xúc phạm mà người vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính như trên.
Đặc biệt, trong trường hợp tính chất, mức độ hành vi nhắn tin đe dọa, xúc phạm được xác định là nghiêm trọng, thì người có hành vi nhắn tin đe doạ, xúc phạm người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh cụ thể nếu thuộc trượng hợp cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Đối với hành vi nhắn tin đe doạ xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.
- Đối với hành vi nhắn tin đe doạ nhằm mục đích ép buộc quan hệ trái ý muốn của người khác, khiến nạn nhân phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng quan hệ tình dục khác, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng dâm theo Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tù cao nhất lên đến 18 năm.
- Đối với hành vi nhắn tin đe doạ giết người, trong đó tin nhắn được xem là đe doạ giết người nếu có nội dung về việc đe doạ sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin nhắn hoặc thân thích của họ, nếu hành vi đe dọa có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.
- Đối với hành vi nhắn tin đe doạ uy hiếp mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản, yêu cầu giao tài sản trái pháp luật, thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Vì thế khi bị người khác nhắn tin đe dọa, xúc phạm để bảo đảm sự an toàn cho chính mình và người thân thích, bị hại có thể tố giác hành vi của người thực hiện hành vi gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm đến cơ quan công an cấp xã/phường hoặc công an cấp quận/huyện theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA. Để tố giác hành vi vi phạm người tố giác cần chuẩn bị: Đơn tố giác; Căn cước công dân người tố giác; Chứng cứ là các tin nhắn đe dọa, xúc phạm để Cơ quan công an giải quyết vụ việc.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338