Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là tranh chấp, bất đồng về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán giữa các bên, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng. Việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có thể phát sinh từ nội dung hợp đồng, cách giải thích hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng...
Hợp đồng mua bán có những đặc điểm:
- Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá chủ yếu đều là thương nhân. Đây là điều được xuất phát từ yêu cầu về chủ thể của hoạt động mua bán hàng hóa là các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa phải là thương nhân, hoặc có trường hợp bên bán phải là thương nhân. Điều này khác với chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản theo Bộ luật Dân sự.
- Đối tượng chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Theo quy định tại Mục 3 Điều 2 của Luật Thương mại, hàng hóa bao gồm: Tất cả những loại bất động sản, tài sản trong tương lai, những vật được gắn liền với đất đai,…
- Mục tiêu cơ bản của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa là kiếm lợi nhuận. Đặc điểm này bắt nguồn và liên quan đến thương nhân là chủ thể chính của hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể bằng miệng, bằng văn bản hoặc được xác định bằng hành vi pháp lý đặc biệt.
Luật Thương mại quy định mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận. Còn Bộ luật Dân sự quy định về hợp đồng mua bán tài sản, có thể xem hàng hóa là một loại tài sản, từ đó có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận của các thương nhân, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng và nhận thanh toán, bên mua có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng. Sự thỏa thuận này có thể thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Vì thế, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng đã được xác lập. Tranh chấp có thể phát sinh từ nội dung của hợp đồng như quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng và một số loại phát sinh tranh chấp khác. Một số loại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có thể kể đến như:
(1) Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng:
Trường hợp tranh chấp này ít khi xảy ra, nhưng cũng có thể xuất hiện khi một trong các bên đại diện ký kết hợp đồng không phải là người có thẩm quyền quyết định/ký kết. Cung tùy từng trường hợp mà rủi ro xảy ra là hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
(2) Tranh chấp phát sinh do bên bán vi phạm tiến độ giao hàng:
Sau khi hai bên ký kết hợp đồng, bên mua đã thanh toán trước một khoản, bên bán giao hàng chậm hơn thời hạn đã thỏa thuận, việc giao hàng chậm của bên bán có khả năng gây ra các thiệt hại cho bên mua dẫn đến phát sinh tranh chấp phát sinh do bên bán vi phạm tiến độ giao hàng.
(3) Tranh chấp do bên bán giao hàng không đúng chủng loại, chất lượng, không đủ số lượng như đã cam kết trong hợp đồng:
Việc bên bán giao không đúng số lượng, không đảm bảo được chất lượng, chủng loại hoặc giao hàng hóa không được bảo quản, đóng gói theo cách thức hợp lý dẫn đến hàng hóa bên mua nhận được không đảm bảo, làm phát sinh thiệt hại cho bên mua làm phát sinh tranh chấp do bên bán giao hàng không đúng chủng loại, chất lượng, không đủ số lượng như đã cam kết trong hợp đồng.
(4) Tranh chấp phát sinh do bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán:
Có nhiều trường hợp sau khi đã nhận được hàng hóa đúng theo thỏa thuận nhưng bên mua lại không thanh toán đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng. Việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán do ý chí chủ quan của bên mua sẽ dẫn đến tranh chấp, xung đột lợi ích với bên bán. Hậu quả của sự vi phạm có thể dẫn đến việc bên mua phải chịu lãi chậm trả, chịu phạt vi phạm hợp đồng dẫn đến tranh chấp.
(5) Tranh chấp liên quan đến vi phạm nghĩa vụ nhận hàng của bên mua như không nhận hàng, nhận hàng chậm:
Việc bên mua không tiến hành hoặc chậm tiến hành thực hiện nghĩa vụ nhận hàng của mình, có thể dẫn đến việc hàng hóa bị hư hỏng, giảm chất lượng, không đảm bảo được đúng chất lượng theo thỏa thuận ban đầu của các bên dẫn đến tranh chấp.
(6) Tranh chấp do các nguyên nhân khách quan khác:
Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ một hay các bên trong hợp đồng, thì có nhiều nguyên nhân khách quan xảy ra tranh chấp, đó là: Do sự biến động của những yếu tố giá cả, tỷ giá hay cung cầu của các quốc gia khác nhau hoặc do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lũ, hạn hán, cháy nổ, dịch bệnh... và còn rất nhiều nguyên nhân khách quan khác phát sinh trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa cũng có thể là nguyên nhân phát sinh tranh chấp.
(7) Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
Theo quy định tại Điều 303 của Luật Thương mại thì điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng mua bán hàng hóa khi có đủ các yếu tố: (1) có hành vi vi phạm hợp đồng; (2) có thiệt hại thực tế xảy ra; (3) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Khi phát sinh trách nhiệm về bồi thường thiệt hại, các bên thường xảy ra tranh chấp trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm, đặc biệt khi phát sinh trách nhiệm với bên thứ ba.
Khi tham gia các quan hệ thương mại, các giao dịch lĩnh vực thương mại việc xảy ra tranh chấp là điều không thể tránh khỏi; nếu tranh chấp xảy ra và các bên không tìm được tiếng nói chung sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, khi đó công việc sẽ bị gián đoạn do mất thêm thời gian để trao đổi, thỏa thuận nhằm đưa ra phương án giải quyết. Nghiêm trọng hơn, nếu các bên không thỏa thuận được việc giải quyết tranh chấp thì một trong các bên có thể tiến hành khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp. Vì vậy, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình các bên cần mời luật sư tham gia tư vấn soạn thỏa, đàm phán ký kết hợp đồng; tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa ngay từ đầu để hạn chế được các rủi ro pháp lý; đồng thời đạt được hiệu quả cao nhất khi giải quyết tranh chấp phát sinh.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338