Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp. Theo đó, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Phương thức khác. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà không quy định về phương thức xử lý các biện pháp bảo đảm khác như ký cược, ký quỹ, đặt cọc… Đây là hai biện pháp bảo đảm mang tính vật quyền truyền thông trong pháp luật dân sự cho nên Bộ Luật Dân sự quy định cụ thể về phương thức xử lý tài sản bảo đảm. Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm gồm:
Bán đấu giá tài sản, đây là phương thức ưu tiên hàng đầu vì nó đảm bảo tính khách quan. Khi xử lý tài sản bảo đảm các bên đều mong muốn được nhận lại giá trị nhiều nhất khi xử lý tài sản bảo đảm do đó chỉ có phương thức đấu giá thỏa mãn được lợi ích của cả hai bên. Trường hợp xác lập giao dịch bảo đảm các bên có thỏa thuận về việc bán đấu giá, thì khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm sẽ ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá. Khoản 1 Điều 52 Nghị định 21/2021 NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 về xử lý tài sản bảo đảm, quy định về trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản, là việc bên nhận bảo đảm sau khi được bên bảo đảm chuyển giao tài sản, thì tự mình bán tài sản đó trực tiếp cho người mua tài sản, trường hợp trong giao dịch bảo đảm có thỏa thuận hoặc được bên bảo đảm đồng ý thì bên nhận bảo đảm có thể tự bán tài sản để bù đắp lại giá trị nghĩa vụ do bên có nghĩa vụ không thực hiện.
Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, nhận tài sản bảo đảm cũng là phương thức xử lý tài sản bảo đảm, vì thông thường tài sản bảo đảm có giá trị bằng hoặc lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Nên việc bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản đó là hoàn toàn phù hợp. , thông thường khi xác lập biện pháp bảo đảm thì giá trị của tài sản bảo đảm bằng hoặc lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm, cho nên các bên có thể thỏa thuận bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán lại cho bên bảo đảm và ngược lại.
Phương thức khác, đây là phương thức luật dự phòng và cho phép các bên thỏa thuận về cách thức xử lý tài sản bảo đảm. Khoản 3 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì bên nhận bảo đảm được bán theo giá tại thị trường giao dịch chứng khoán hoặc tại sàn giao dịch liên quan khác nhưng phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) biết trước khi bán.
Ngoài ra, Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 về xử lý tài sản bảo đảm, quy định về việc các bên có thể thỏa thuận về việc xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đồng thời thời hạn xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm quyết định thời hạn xử lý sau khi thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định nêu trên thì tài sản được xử lý bằng phương thức bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng quy định ngoại trừ các trường hợp mà pháp luật liên quan có quy định khác.
Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338