Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, theo đó cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh nằm trong nhóm quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân bởi thông qua hình ảnh của một cá nhân mà phân biệt được sự khác nhau giữa cá nhân này và cá nhân khác. Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền của cá nhân được thể hiện như: cá nhân được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân... hoặc cá nhân được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, theo đó cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Liên quan đến tính chất tài sản và phi tài sản của quyền này còn nhiều quan điểm khác nhau:
- Có quan điểm cho rằng, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn với tài sản và thông qua việc cho phép sử dụng hình ảnh mà cá nhân thu được các lợi ích vật chất nhất định, đặc biệt hiện nay, những người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, người mẫu…) thường cho các nhãn hàng sử dụng hình ảnh của mình để quảng bá sản phẩm;
- Quan điểm khác lại cho rằng, quyền của cá nhân đối với hình hành có thể là quyền nhân thân gắn với tài sản hoặc là quyền nhân thân không gắn với tài sản tùy thuộc vào mục đích khai thác hình ảnh của cá nhân. Nếu việc khai thác hình ảnh gắn với lợi ích vật chất thì đây là quyền nhân thân gắn với tài sản; còn nếu việc khai thác hình ảnh không gắn với lợi ích vật chất thì đây là quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh nằm trong nhóm quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân bởi thông qua hình ảnh của một cá nhân mà phân biệt được sự khác nhau giữa cá nhân này và cá nhân khác.
Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền của cá nhân được thể hiện như: cá nhân được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân… hoặc cá nhân được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm, bị sử dụng bất hợp pháp một cách tràn lan và ngay cả cá nhân có hình ảnh cũng như cá nhân vi phạm đều thường không có ý thức về hành vi của mình.
Việc sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm mục đích thương mại đang ngày càng phổ biến trong thời đại ngày nay như: sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm hàng hóa; sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo dịch vụ (đặc biệt trong lĩnh vực thẩm mỹ…) hoặc gắn hình ảnh với bất kỳ hành vi phát sinh lợi nhuận một cách hợp pháp nào khác. Đối với những trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm mục đích thương mại thì người sử dụng hình ảnh có nghĩa vụ trả thù lao cho cá nhân có hình ảnh.
Mức thù lao phụ thuộc vào thỏa thuận giữa bên sử dụng và cá nhân có hình ảnh. Bên sử dụng hình ảnh chỉ không phải trả thù lao khi giữa các bên có thỏa thuận tự nguyện ngay từ ban đầu về việc : ảnh mà không trả thù lao hoặc giữa các bên thỏa thuận có phải trả thù lao nhưng sau đó cá nhân có hình ảnh miễn nghĩa vụ trả thù lao cho bên sử dụng.
Về nguyên tắc, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do pháp luật quy định thì một chủ thể được quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh, bao gồm:
- Việc sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Luật dân sự nói riêng cũng như những ngành luật khác đều luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu. Do đó, nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân nhằm hướng tới những lợi ích này thì không cần thiết phải có sự đồng ý của người có hình ảnh, ví dụ: Hình ảnh của các lãnh tụ, danh nhân văn hóa được sử dụng nhằm quảng bá cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm: Hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh trong các trường hợp này thường mang tính chất về thông tin, đưa tin về các hoạt động công cộng nói chung. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân trong cả trường hợp được sự đồng ý hay không được sự đồng ý của người có hình ảnh không được phép xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Còn với những trường hợp sử dụng các hình ảnh này có hậu quả làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh thì là hành vi không được phép.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, các báo điện tử thì quyền của cá nhân đối với hình ảnh đang hàng ngày, hàng giờ bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Do đó, vấn đề bảo vệ hình ảnh của cá nhân trong bối cảnh hiện nay đang được quan tâm và chú trọng. Khi quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm, cá nhân có quyền bảo vệ quyền nhân thân này của mình thông qua các phương thức:
- Yêu cầu Tòa án ra quyết định liên quan bao gồm buộc chủ thể vi phạm hoặc liên quan phải: thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh; bồi thường thiệt hại (nếu có);
- Áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc xâm phạm đến hình ảnh cá nhân thường kéo theo sự vi phạm đến các quyền nhân thân khác của cá nhân như quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư và xâm phạm đến quyền của cá nhân được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín… thì cá nhân bị xâm phạm được quyền yêu cầu người xâm phạm phải bồi thường.
So với Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Điều luật này có một số thay đổi đáng chú ý sau đây:
(1) Lược bỏ quy định về vấn đề sử dụng hình ảnh của cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi được ghi nhận tại khoản 2 Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc lược bỏ này xuất phát từ lý do Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định chung, bao quát cho cách thức xác lập, thực hiện quyền nhân thân với nhóm người này;
(2) Bổ sung quy định về việc trả thù lao khi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại;
(3) Bổ sung thêm quy định về các trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.
Tương tự như Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều luật này không đưa ra khái niệm cụ thể về hình ảnh cá nhân. Chính điều này đã dẫn tới những quan điểm trái chiều nhau trong việc xác định những đối tượng như ảnh vẽ, tượng (gỗ, đá, thạch cao), ảnh in trên các vật dụng (cốc, áo)… là hình ảnh cá nhân hay không?
Để quyền của cá nhân đối với hình ảnh được hiểu một cách chính xác và thống nhất thì trong các văn bản quy định chi tiết thi hành và áp dụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định cụ thể về nội hàm của quyền này.
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338