Language:
Sở hữu chung của các thành viên gia đình (Điều 212)
25/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tại Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình, cụ thể:

Thứ nhất, tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Thứ hai, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Sở hữu chung của các thành viên gia đình lần đầu được ghi nhận trong BLDS năm 2015, theo đó, giữa các thành viên trong gia đình có mối quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng cũng có thể tồn tại khối tài sản chung với nhau.

Nguồn gốc tài sản chung của các thành viên trong gia đình hình thành trên cơ sở đóng góp, cùng tạo lập theo các căn cứ xác lập quyền sở hữu khác được pháp luật thừa nhận; cơ chế thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung giữa các thành viên gia đình là cơ chế thỏa thuận, các thành viên gia đình thống nhất ý chí về các trường hợp chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản; sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình đối với chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung khi tài sản này là động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình; trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật không quy định thì buộc các thành viên trong gia đình thực hiện quyền sở hữu theo nguyên tắc chung theo phần, trừ trường hợp sở hữu chung của vợ chồng.

Có 3 yếu tố để xác định thành viên Hộ gia đình gồm: Thứ nhất là có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng; Thứ hai là đang sống chung; Thứ ba là có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, không thể căn cứ vào sổ hộ khẩu hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định thành viên hộ gia đình. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa hướng dẫn cụ thể quy định về những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng là quan hệ với chủ hộ hay với các thành viên khác? Cách xử lý của một số công chứng viên để tránh tình trạng bỏ sót thành viên hộ gia đình, khi thực hiện yêu cầu công chứng đó là làm văn bản xin xác nhận nhân khẩu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cơ quan công an.

Vì tính chất phức tạp của chế định Hộ gia đình cũng như thực tiễn còn nhiều tranh cãi quanh việc xác định thành viên của hộ gia đình, ngày 07/4/2017, Tòa án Nhân dân tối cao đã có Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ. Trong đó, tại Điểm 4, Mục I, Phần III về lĩnh vực Dân sự, khi giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó được cấp cho hộ gia đình và tại thời điểm giải quyết tranh chấp, thành viên hộ gia đình đã có sự thay đổi so với thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cách xác định thành viên hộ gia đình theo quy định tại Khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai như sau:

- Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

- Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338