Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thời hạn có thể hiểu là giới hạn điểm đầu và điểm kết thúc về mặt thời gian. Trong quan hệ pháp luật dân sự, thời hạn được xác định rõ ràng tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng quan hệ. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một thời điểm hoặc một khoản thời gian nhất định mà trong thời điểm hoặc khoản thời gian đó, người có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình để thỏa mãn nhu cầu lợi ích của bên có quyền. Tại Điều 278 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
Thứ ba, trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Tùy thuộc vào tính chất, nội dung của quan hệ cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có thể thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Khi đã xác định được thời hạn theo thỏa thuận, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng thời hạn đó. Ví dụ: trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất, thời hạn chuyển giao đất và giấy tờ có liên quan là 02 tháng. Trong quãng thời gian 02 tháng đó, bên có nghĩa vụ phải thực hiện các công việc chuyển giao giấy tờ quyền sử dụng đất và bàn giao đất cho bên có quyền.
Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thì các bên chủ thể phải tuân theo. Trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật quy định thời gian cụ thể mà các bên phải tuân theo khi tiến hành thực hiện nghĩa vụ.
Quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ có ý nghĩa quan trọng. Trong nhiều trường hợp, quan hệ dân sự chỉ đáp ứng được quyền lợi cho các bên khi nghĩa vụ được thực hiện đúng thời hạn. Do đó, bên mang nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng thời hạn đã xác định. Trừ một số trường hợp đặc biệt mà pháp luật có quy định khác, ví dụ trong hợp đồng cho vay có tài sản đảm bảo, một tài sản có thể cùng lúc đảm bảo cho nhiều khoản vay khác nhau, lúc này khoản 3 Điều 296 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản.
Trên thực tế, người có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa trước thời hạn. Lúc này nếu bên có quyền chấp nhận việc thực hiện trước đó, thì nghĩa vụ được xem như hoàn thành đúng hạn.
Khi các bên không có thỏa thuận, pháp luật cũng không quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ, hoặc bên có quyền có thể yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền, lợi ích thì việc thực hiện nghĩa vụ, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ phải được thông báo cho bên còn lại biết trước trong một quãng thời gian hợp lý. Lúc này quãng thời gian hợp lý đó chính là thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Tùy vào tính chất, đặc điểm của mỗi quan hệ mà quãng thời gian hợp lý đó có thể không giống nhau, nhưng nó phải đủ để các bên kịp thời chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ của mình.
Quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ không chỉ đáp ứng quyền lợi cho các bên, mà còn là căn cứ để xác định thời hạn khởi kiện khi phát sinh tranh chấp. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 278. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ
1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338