Điều 148. Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự
Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội. Đối với Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội do Thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này thực hiện.
Điều 149. Phòng xử án thân thiện
1. Tòa án xét xử bị cáo là người chưa thành niên tại phòng xử án thân thiện.
2. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng.
Người chưa thành niên là bị cáo tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người bào chữa, người đại diện của họ.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.
Điều 150. Sự có mặt của người làm công tác xã hội
Người làm công tác xã hội tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập. Nếu người làm công tác xã hội vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Điều 151. Thủ tục xét xử thân thiện
1. Phiên tòa phải được tổ chức xét xử thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Kiểm sát nhân dân.
2. Khi xét xử không còng tay hoặc áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế khác, trừ trường hợp người chưa thành niên có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa hoặc hành động tiêu cực khác.
3. Người đại diện của người chưa thành niên có thể hỗ trợ người chưa thành niên tại phiên tòa.
4. Chủ tọa phiên tòa đề nghị người làm công tác xã hội có mặt tại phiên tòa trình bày báo cáo điều tra xã hội và báo cáo điều tra xã hội bổ sung (nếu có), đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan.
5. Việc xét hỏi, tranh luận đối với người chưa thành niên tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.
6. Khi xét xử, nếu xét thấy người chưa thành niên có đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với bị cáo. Quyết định này phải có các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này, trừ nội dung đình chỉ vụ án đối với bị cáo. Quyết định này có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp xét thấy cần xây dựng hoặc bổ sung kế hoạch xử lý chuyển hướng thì Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa và đề nghị người làm công tác xã hội xây dựng hoặc bổ sung kế hoạch xử lý chuyển hướng. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 10 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
7. Sau khi tuyên án hoặc công bố quyết định, Hội đồng xét xử quyết định tạm giam người chưa thành niên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người chưa thành niên đang bị tạm giam nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành bản án, quyết định;
b) Người chưa thành niên không bị tạm giam nhưng có căn cứ cho thấy họ có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
8. Thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên được thực hiện như sau:
a) Không quá 45 ngày kể từ ngày tuyên án;
b) Không quá 25 ngày kể từ ngày công bố quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Điều 152. Tuyên án
Khi tuyên án, Hội đồng xét xử đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án, quyền kháng cáo và những nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Địa chỉ: 3E ngõ 134 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338