Language:
Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện (Điều 284)
03/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Theo quy định pháp luật, nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

Tại Điều 284 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ có điều kiện. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Trường hợp điều kiện không xảy ra hoặc xảy ra do có sự tác động của một bên thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 120 Bộ luật Dân sự.

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ để thỏa mãn nhu cầu lợi ích của bên có quyền. Tùy vào đặc điểm, tính chất của từng quan hệ mà các bên có thể thỏa thuận về điều kiện phát sinh để thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, điều kiện được hiểu là điều phụ thuộc bắt buộc phải có trong một sự cam kết để định đoạt. Hay, điều kiện là những căn cứ phải phát sinh trong tương lai, thì thỏa thuận của các bên mới có hiệu lực. Nghĩa vụ có điều kiện là nghĩa vụ chỉ được thực hiện khi phát sinh các sự kiện nhất định trong tương lai. Điều kiện có thể được dữ liệu bởi các trường hợp:

(1) Do thỏa thuận của các bên. Thông thường, trong quan hệ nghĩa vụ các bên phải thực hiện nghĩa khi đến thời hạn nhất định. Tuy nhiên, đối với quan hệ nghĩa vụ có điều kiện, bên cod nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi điều kiện mà các bên đã thỏa thuận xảy ra. Thỏa thuận của các bên về điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ được ghi nhận tại khoản 1 Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015, như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ. Quy định tại Điều 284 là sự nối tiếp và thống nhất với quy định tại Điều 120. Điều kiện mà các bên thỏa thuận có thể mang tính khách quan hoặc chủ quan phụ thuộc vào tính chất của hợp đồng.

(2) Do quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện khi điều kiện mà pháp luật quy định xảy ra. Ví dụ: khoản 3 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu. Như vậy, nghĩa vụ khai sinh, khai tử của bố mẹ cho con cái chỉ phát sinh khi đứa trẻ sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi điều kiện xảy ra, các bên cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều kiện sẽ không được chấp nhận khi nó xảy ra do ý chí cố tình tác động đến của các bên. Cụ thể, khoản 2 Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra. Như vậy, điều kiện làm phát sinh nghĩa phải xảy ra tự nhiên, không có tác động của các bên trong quan hệ. Bởi vì, nếu một bên vì quyền lợi của mình mà tác động đến điều kiện đó thì sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền lợi của bên còn lại. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).

Điều 284. Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

2. Trường hợp điều kiện không xảy ra hoặc xảy ra do có sự tác động của một bên thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 120 của Bộ luật này.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338