Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Trong đó, việc thực hiện nghĩa vụ giao vật được thực hiện theo quy định tại Điều 279 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tại Điều 279 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ giao vật. Theo đó, bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn vật, pháp luật quy định bên bào có nghĩa vụ giao vật thì phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao. Bên có nghĩa vụ giao vật chính là bên đang thực hiện việc chiếm hữu vật đó, vì vậy họ có điều kiện để bảo quản, giữ gìn vật đó hơn so với các chủ thể khác. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của bên có quyền khi nhận vật chuyển giao đúng với với tình trạng mà các bên đã thỏa thuận ban đầu, thì bên có nghĩa vụ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản vật đó. Quy định này cũng hướng tới việc nâng cao trách nhiệm của bên có nghĩa vụ giao vật. Nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài vật chấm dứt khi vật đó được chuyển giao cho người khác. Ví dụ: trong hợp đồng mua bán xe máy, bên mua có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản xe cho đến khi chiếc xe được chuyển giao cho bên mua.
Nghĩa vụ giao vật với từng loại vật cụ thể, vật trong quan hệ nghĩa vụ bao gồm: vật đặc định, vật cùng loại và vật đồng bộ. Đối với từng loại vật, nghĩa vụ thực hiện giao vật của chủ thể sẽ có sự khác nhau phù hợp với đặc điểm, tính chất của vật:
- Vật đặc định có thể hiểu vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Bên có nghĩa vụ phải giao vật đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết. Với đặc tính riêng biệt, không bị nhầm lẫn với vật khác, vật đặc định là vật mà người có quyền đã lựa chọn, do đó vật được giao không thể thay thế bằng vật khác được.
- Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng đơn vị đo lường. Trong trường hợp này bên có nghĩa vụ phải giao vật đúng số lượng, chất lượng như đã thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì chất lượng của vật được xác định theo chất lượng trung bình. Vì vật cùng loại không có đặc tính riêng biệt, nên những vật có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau. Cũng vì tính chất đó, mà khi chuyển giao vật cùng loại chỉ cần đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng mà không cần giao đúng vật như vật đặc định.
- Vật đồng bộ là vật bao gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau tạo thành một chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần, bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng giảm sút.
Nghĩa vụ thanh toán chi phí, vì nghĩa vụ chuyển giao vật là nghĩa vụ của bên thực hiện chuyển giao, nên mọi chi phí chuyển giao phải do bên có nghĩa vụ thanh toán. Ví dụ: Trong quan hệ mua bán điều hòa. Bên mua có nghĩa vụ vận chuyển đến nơi mà bên mua yêu cầu và chịu hoàn toàn chi phí cho việc vận chuyển đó. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền. Tuy nhiên, các bên có thể có thỏa thuận khác về việc thanh toán chi phí vận chuyển. Quy định về thực hiện nghĩa vụ giao vật là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích của bên mang quyền đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của bên mang nghĩa vụ trong quan hệ chuyển giao tài sản. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 279. Thực hiện nghĩa vụ giao vật
1. Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.
2. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.
3. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338