Language:
Thực hiện nghĩa vụ thay thế được (Điều 286)
03/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Theo quy định pháp luật, nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

Tại Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ thay thế được. Theo đó, nghĩa vụ thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ đó.

Khi thực hiện nghĩa vụ, để tạo điều kiện có bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình, pháp luật cho phép họ được thực hiện nghĩa vụ khác thay thế cho nghĩa vụ đã thỏa thuận ban đầu, nếu được bên có quyền chấp nhận.

Thay thế nghĩa vụ xuất hiện khi các bên có thỏa thuận, mà theo đó, bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác. Pháp luật dựa trên cơ sở tôn trọng thỏa thuận của các bên, đồng thời linh hoạt tạo điều kiện cho các bên chủ thể thực hiện nghĩa vụ và quyền của mình. Vì trên thực tế, không phải lúc nào bên có nghĩa vụ cũng có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình. Do đó để tạo điều kiện cho họ thực hiện nghĩa vụ, và bảo vệ lợi ích của bên có quyền, pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ có thể thay thế nghĩa vụ thực hiện. Trong thực hiện nghĩa vụ thay thế, mọi đối tượng có giá trị tương đương đều có thể thay thế cho nhau, tài sản có thể thay thế bằng một công việc cụ thể có giá trị như nhau và ngược lại.

Khác với thực hiện nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn, là bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn đối tượng để thực hiện nghĩa vụ mà chỉ cần thông báo cho bên có quyền biết. Trong thực hiện nghĩa vụ thay thế được, bên có nghĩa vụ chỉ được thay thế đối tượng thực hiện nghĩa vụ khi được bên có quyền chấp nhận. Pháp luật đã sử dụng từ “chấp nhận” thay vì “đồng ý” như các quy định khác. Bởi trên thực tế, bên có quyền bị đặt vào tình thế “sự đã rồi”, không còn sự lựa chọn nào khác đành phải chấp nhận nghĩa vụ thay thế. Ví dụ: trong hợp đồng cho thuê tài sản, bên thuê vô tình làm hư hỏng tài sản. Lúc này bên thuê phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên có tài sản cho thuê. Bên cho thuê lúc này không còn sự lựa chọn nào khác là nhận tiền bồi thường, thay vì nhận lại tài sản cho thuê (đã hư hỏng). (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).

Điều 286. Thực hiện nghĩa vụ thay thế được

Nghĩa vụ thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ đó.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338