Language:
Tội che giấu tội phạm (Điều 389)
03/10/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Tội che giấu tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động của cơ quan tố tụng, đến hoạt động, đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, có thể gây ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội che giấu tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXIV Bộ luật hình sự. Như vậy, chủ thể của Tội che giấu tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm:

Tội che giấu tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động của cơ quan tố tụng, đến hoạt động, đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, có thể gây ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.

Đối tượng tác động của tội phạm này mà người phạm tội nhằm vào có thể là người phạm tội (người mà người phạm tội che giấu), nhưng cũng có thể là các dấu vết, tang vật của tội phạm… Thông qua đối tượng tác động mà người phạm tội xâm phạm đến hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến việc phát hiện, điều tra, chứng minh tội phạm, xâm phạm đến nguyên tắc xử lý tội phạm đó là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả của hành vi phạm tội và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả tự xảy ra.

Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi che giấu tội phạm.

Hành vi che giấu tội phạm khi được thực hiện cũng giống như hành vi che giấu của người giúp sức trong vụ án đồng phạm, chỉ khác nhau ở chỗ hành vi  của người giúp sức là hành vi của người có hứa hẹn trước, còn hành vi che giấu tội phạm thì người che giấu không hứa hẹn trước. Che giấu là từ ghép của hai từ “che” và “giấu”. Che được hiểu là làm cho kín, khuất, khiến người ta không nhìn thấy, bưng bít, không cho người ta biết. Giấu được hiểu là cất kín, giữ kín. Nói chung từ “che” và từ “giấu” xét về nghĩa thì hai từ nay tương tự như nhau, từ che giấu còn đồng nghĩa với các từ: che chở, che đậy, che mắt, giấu giếm.

Để che giấu tội phạm, người phạm tội có thể thực hiện một trong những hành vi sau:

(1) Che giấu người phạm tội: Che giấu người phạm tội là biết rõ một người đã thực hiện một tội phạm nhưng đã chứa chấp, nuôi giấu trong nhà mình, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu để không bị bắt, giúp đỡ người phạm tội bỏ trốn, giúp người phạm tội  thay hình đổi dạng để tránh sự truy tìm, phát hiện của mọi người hoặc có những hành vi khác che giấu người phạm tội.

(2) Che giấu các dấu vết của tội phạm: Một tội phạm xảy ra bao giờ cũng để lại các dấu vết, các dấu vết mà tội phạm để lại có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm, từ dấu vết mà cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra thủ phạm. Các dấu vết của tội phạm cũng rất phong phú, đa dạng tuỳ thuộc vào tội phạm xảy ra. Ví dụ: đối với tội giết người dấu vết để lại ở hiện trường như: vết máu, vân tay, dấu chân…; trên thi thể nạn nhân như: vết bầm tím trên cổ; trên thân thể bị can như: vết cào cấu…; nếu các dấu vết này bị tẩy xoá, bị làm thay đổi, làm mất đi sẽ gây khó khăn cho công tác điểu tra truy tìm thủ phạm.

(3) Che giấu tang vật của tội phạm: Tang vật của vụ án là công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm. Che giấu tang vật là hành vi cất giấu, huỷ hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm; trong các công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm có những loại là tiền hoặc tài sản như: tiền hoặc tài sản bị cáo chiếm đoạt được, các phương tiện giao thông vận tải mà bị cáo dùng để chuyên chở người phạm tội hoặc chuyên chở hàng phạm pháp…

Hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không phụ thuộc vào kết quả của việc che giấu đó có đạt kết quả hay không thì người thực hiện hành vi vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình phạt:

- Khoản 1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

- Khoản 2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Điều 389. Tội che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;

b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;

c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;

d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;

đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;

e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;

g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;

h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;

i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;

k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338