Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về mọi mặt như kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, việc làm… Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực luôn tồn tại mặt trái của nó là mặt tiêu cực, do phát triển mạnh về công nghệ số kéo theo nhiều hành vi vi phạm pháp luật cũng phát triển trên nền tảng công nghệ, phổ biến nhất là tội phạm lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, các ứng dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điển hình như vụ Nhâm Hoàng Khang xâm nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của người khác để đánh cắp thông tin và thực hiện hành vi phạm tội…
Đáng chú ý nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm ở nước ngoài như Campuchia, Lào, Trung Quốc… các đường dây này dụ dỗ những người trẻ tuổi thiếu hiểu biết, chiêu mộ những đối tượng trốn truy nã, có tiền án, tiền sự tham gia hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có chân rết cả trong và ngoài nước.
Các đối tượng này sử dụng phương thức thủ đoạn như gọi điện thoại giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra giao thông, cán bộ bưu điện, cán bộ hải quan, cán bộ nhân viên nhà mạng viễn thông… gọi điện đến để đe dọa, uy hiếp lấy thông tin của nạn nhân và truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền, nhiều đối tượng còn hack tài khoản mạng xã hội của nạn nhân này để nhắn tin vay tiền, nhờ chuyển tiền cho người khác… Đối với thủ đoạn phạm tội này, thì nạn nhân có thể là bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào do các đối tượng này khá am hiểu thói quen và tâm lý nạn nhân, nên việc thực hiện hành vi lừa đảo càng trở nên dễ dàng, nạn nhân sau khi bị uy hiếp, đe dọa đã răm rắp nghe theo chỉ dẫn và sập bẫy của các đối tượng tội phạm giăng ra.
Là một luật sư nhưng bản thân tôi cũng từng bị đối tượng lừa đảo gọi điện thoại đến để đánh cắp thông tin, giả vờ trao đổi qua lại để nắm bắt thủ đoạn của tội phạm, đến khi xưng danh luật sư và nói nghiêm túc với đối tượng để các đối tượng chấm dứt hành vi, thì tôi còn nhận lại được một tuyên bố rằng “công an không bao giờ bắt được chúng tôi, chúng tôi trước khi thực hiện hành vi cũng đã tìm hiểu mức án mình có thể phải đối mặt nếu bị bắt, tôi từng đi tù 7 năm gia đình tan nát giờ tôi không còn gì để mất nữa, nên nói tôi dừng lại là vô ích”. Sở dĩ tôi dẫn ra như vậy để thấy rằng các đối tượng phạm tội lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội có thể thực hiện hành vi lừa đảo với bất cứ ai, nhưng người nào thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, ít cập nhật tin tức ngoài xã hội thì sẽ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của hành vi này.
Trước tình trạng này, người dân nên đề phòng cảnh giác và thực hiện những biện pháp sau: Chủ động bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, số thuê bao di động, không gửi giấy tờ cá nhân và cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ người nào, tổ chức nào qua mạng máy tính, mạng viện thông, mạng xã hội; thường xuyên cập nhật tin tức qua báo chí, truyền hình, thông tin tuyên tuyền ở địa phương, trong nhà trường và ngoài xã hội về các hành vi đang được cảnh báo là nguy cơ của tội phạm; tố giác hành vi lừa đảo của các đối tượng khi bị gọi điện, bị chiếm đoạt tài khoản nhằm cảnh tỉnh những người khác và giúp người khác tránh được nguy cơ bị lừa đảo tương tự; đối với cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường, các cụm dân cư, thông qua các kênh tin tức địa phương phổ biến kiến thức pháp luật và cách thức nhận diện dấu hiệu tội phạm trong các giao dịch dân sự đời thường; các cơ quan có thẩm quyền khi liên hệ làm việc với người dân cần có thông báo, giấy mời, giấy triệu tập nếu cần thiết phải liên hệ qua điện thoại cho người dân thì cần giữ nguyên tắc ứng xử phù hợp, tránh hạch sách cửa quyền, nạt nộ dẫn tới hình thành tâm lý sợ sệt từ người dân khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, dẫn tới bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để uy hiếp đe dọa người dân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nước ngoài trong việc đấu tranh trấn áp các ổ nhóm, băng đảng tội phạm mạng từ nước ngoài để xử lý các đường dây này góp phần chặn đứng tình hình tội phạm này.
Hiện nay, Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
Nếu đối tượng thực hiện hành vi có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo còn có thể chịu những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội.
Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm.
Từ chế tài nêu trên, chúng tôi cho rằng chế tài xử phạt hiện tại là phù hợp với tình hình tội phạm hiện nay, hình phạt đã đủ tính nghiêm khắc. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngoài chịu trách nhiệm hình sự mà đối tượng phạm tội phải chịu, cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung quy định khi phát hiện các giao dịch nghi ngờ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài sản bất minh cần phong tỏa nhanh chóng tránh các đối tượng tẩu tán tài sản, ngoài ra áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng không có ý thức khắc phục hậu quả, giao nộp lại tiền, tài sản phạm pháp, không xem xét giảm nhẹ hình phạt, giảm án cho những đối tượng chưa thực hiện trách nhiệm bồi thường khắc phục hậu quả. Đó cũng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, phòng ngừa từ xa và có tính răn đe chung để đẩy lùi tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phát triển mạnh trong thời đại công nghệ số.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338